Thủ Ðô Sài Gòn trong những giờ phút hấp hối, khi các đại đơn vị CSBV áp sát tất cả bốn hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc, sau khi SÐ 18 BB và Bộ Tư Lệnh QÐ III cùng các đơn vị trực thuộc di tản về Sài Gòn từ đêm 28 tháng 4, 1975.
Xung quanh thủ đô Sài Gòn hàng chục SÐ CSBV hiện diện, những trận mưa pháo vào phi trường Tân Sơn Nhất, nội thành Sài Gòn và các đơn vị đồn trú trong lãnh thổ của Biệt Khu Thủ Ðô. Sài Gòn náo loạn, chính phủ mới của “Ðại Tướng” Dương Văn Minh không biết phải làm gì để đối phó với tình hình nguy kịch này. Lúc bấy giờ nhiều phái đoàn của cái gọi là thành phần thứ ba, các nghị sĩ, dân biểu gọi là thiên tả, đối lập hay xìu xìu ển ển, thường chống chính quyền và kể cả phái đoàn chánh thức của chánh phủ Dương Văn Minh-Vũ Văn Mẫu, chạy tới chạy lui vào Camp Davis trong khu vực phi trường Tân Sơn Nhất để xin yết kiến xin xỏ VC tìm giải pháp. Nhưng, VC trên đà chiến thắng, họ không “quởn” nói chuyện với các phái đoàn đó.
Trong bối cảnh, các đơn vị lớn nhỏ QLVNCH đang hiện diện trong nội thành Sài Gòn và vùng ngoại ô, không nhận được lệnh lạc gì của cấp trên, Bộ Tổng Tham Mưu hay của chính phủ mới. Các đơn vị trưởng còn bám trụ ở đơn vị, không vọt đi ra biển hay đi bằng phi cơ thì tùy nghi quyết định lấy số phận của đơn vị mình, tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng hay bỏ đơn vị về nhà hay tìm cách vượt thoát ra biển Ðông...
Ngày 29 tháng 4, 1975 Sài Gòn hỗn loạn, cảnh người chen chúc đến Tòa Ðại Sứ Mỹ để hy vọng được lên trực thẳng di tản hay người ta đổ xô xuống các bến tàu tìm chỗ để ra đi khỏi Sài Gòn đang ngột ngạt giẫy chết.
Trong khi đó, Phó Ðô Ðốc Chung Tấn Cang Tư Lệnh Hải Quân, ông mới về đảm nhận chức vụ này chỉ được một thời gian rất ngắn. Với tầm nhìn của vị tướng lãnh sáng suốt, sau khi Quân Khu II ... I thất thủ, đô đốc đã tự hoạch định một phương cách bảo toàn lực lượng để có thế ứng phó với cơn dầu sôi lửa bỏng đang ầm ập lao tới. Với tư cách là Tư Lệnh Hải Quân mới, ông thường xuyên mở những cuộc họp tham mưu và những cuộc họp lớn có tất cả các đơn vị trưởng các hạm đội, vùng duyên hải, vùng sông ngòi... đang có mặt tại 4 quân khu để đô đốc nắm chắc những gì hải quân sẽ sử dụng hiệu quả khi có biến cố, cần tới.
Qua bài viết của Hải Quân Ðại Tá Nguyễn Bá Trang được phổ biến trên các diễn đàn sau khi Ðô Ðốc Chung Tấn Cang qua đời ngày 24 tháng 1 năm 2007 tại thành phố Bakersfield-California, hưởng thọ 82 tuổi, chúng ta đọc không khỏi ngậm ngùi thương cảm cho một vị tướng hải quân kỳ tài vì có quá ít thời gian phục vụ ngành chuyên môn của mình.
Ðô Ðốc Chung Tấn Cang dù phục vụ trong hải quân, thời gian chỉ có 5% cuộc đời binh nghiệp của ông, như Hải Quân Ðại Tá Nguyễn Bá Trang viết, nhưng, Tướng Cang biểu tỏ thiên tài của ông về sự chỉ huy, điều động các đơn vị hải quân dưới quyền. Tướng Quân Cang tâm sự với người viết bài này, cách đây 6 năm khi đến thăm ông vì tình thầy trò trong quân đội, ông nói rằng rất tiếc, BTL Hải Quân đặt tại một địa điểm nhỏ hẹp tại thủ đô Sài Gòn, cách biển khá xa mà hải quân là quân chủng cần vẫy vùng hoạt động hữu hiệu ở vùng sông nước, biển cả.
Lúc bấy giờ, tôi có ý nghĩ, cấp lãnh đạo quốc gia chưa có tầm nhìn đúng về khả năng tinh nhuệ của quân chủng Hải Quân, họ phải hoạt động ở trên mặt nước, khi đưa hải quân lên bờ là chặt tay chặt chân họ. Ðô Ðốc Cang có ý ám chỉ về số phận của ông, là một phó đô đốc (Tướng Lãnh 3 sao), cấp bậc cao nhất trong quân chủng Hải Quân lại phải xa rời màu nước xanh biên biếc của biển cả, ông không được phục vụ hay chỉ huy ngành chuyên môn của mình một thời gian quá dài.
Cuộc chính biến 1 tháng 11, 1963, Tư Lệnh Hải Quân, Hải Quân Ðại Tá Hồ Tấn Quyền bị quân đảo chánh giết và quân chủng Hải Quân là đại đơn vị không được quân đảo chánh tin dùng vì sợ còn trung thành với chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
Vật đổi sao dời, có một thời gian ngắn, Ðô Ðốc Chung Tấn Cang cũng được về làm Tư Lệnh Hải Quân và sau đó ông bị cho “lên bờ,” ông đi lang thang trên bộ, giữ những chức vụ như Chỉ Huy Trưởng Trường Chỉ Huy Tham Mưu ở tận Ðà Lạt, cách xa Sài Gòn và xa biển cả mênh mông. Sau đó, Ðô Ðốc Cang được đổi về làm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô kiêm Tổng Trấn Sài Gòn-Gia Ðịnh vài năm mà người viết bài này được may mắn làm việc dưới quyền của một vị tướng mà tôi kính trọng nhất trong cuộc đời binh nghiệp 13 năm của mình. Ðô Ðốc Chung Tấn Cang đã chứng tỏ, đặc biệt là cựu chiến sĩ QLVNCH, rất hãnh diện có một vị tướng tài, có tầm nhìn chiến thuật, chiến lược sâu rộng và Ðô Ðốc Cang xứng đáng là vị tướng tài nhất trong QLVNCH về phương diện hành quân triệt thoái thành công và tuyệt vời nhất
Mới đây, trước ngày Trung Tướng Nguyễn Văn Minh tức Tướng Minh Ðờn ra đi ngày 24 tháng 11, 2006 ở thành phố San Diego-California, khoảng hơn một tuần trước đó, tôi có dịp đi viếng thăm ông thầy cũ, Ðô Ðốc Chung Tấn Cang sau nhiều lần đi bệnh viện về, dưỡng bệnh tại nhà riêng ở thành phố Bakersfield, một thành phố buồn hiu so với miền Nam Cali.
Trong một ngôi nhà khiêm nhường, cũ kỹ tuổi thọ của ngôi nhà cũng 3, 4 chục năm. Phu nhân của Ðô Ðốc tuổi cũng vào hàng gần 80, bà còn khỏe mạnh chuẩn bị sẵn bữa ăn trưa để đãi khách. Chúng tôi, gồm có cựu Trung Tướng Ðặng Văn Quang, bà Ðặng Văn Quang, ông Ðỗ Bá Ngữ, một người bạn đồng môn cùng học Trường Hàng Hải Thương Thuyền với Ðô Ðốc Cang và cùng khóa với cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào thập niên 40, lại đồng tuế tuổi Bính Dần, năm 1926, và đồng cư ngụ ở Sài Gòn cạnh nhau hàng mấy chục năm dài và vợ chồng tôi là đàn em của các vị ấy. Trước đây, hễ mỗi lần vợ chồng chúng tôi đến thăm viếng Ðô Ðốc Cang, phu nhân của ông đều mời chúng tôi ăn, đúng đặc trưng của người gốc miền Nam chân chất, thành thật và hiếu khách.
Ðô Ðốc Chung Tấn Cang mời khách uống rượu vang mà thứ rượu quý ông cất giữ lâu ngày. Gặp bạn xưa là ông Ðỗ Bá Ngữ, ông vui gọi xưng mầy tao giữa hai ông cụ già 82 tuổi, tôi nghe sao dễ thương như thấm vào tim mình và sẽ viết về tình thâm giao của hai cụ cao niên này trong một bài khác.
Trở lại cuộc triệt thoái của Quân Chủng Hải Quân, tất cả hạm đội được Ðô Ðốc Chung Tấn Cang ra lệnh “Lên Neo,” nghĩa là sẵn sàng tham dự cuộc hành quân triệt thoái vĩ đại nhất của Quân Chủng Hải Quân và điểm hẹn là đảo Côn Sơn và Phú Quốc. Lệnh hành quân triệt thoái lịch sử được ban ra vào ngày N tức là sáng sớm ngày 29 tháng 4 năm 1975 trong khi chính phủ Dương Văn Minh-Vũ Văn Mẫu hết có thuốc chữa, ngăn chận được sự tiến quân bôn tập của CSBV về cưỡng chiếm thủ đô Sài Gòn.
Lúc này, Ðô Ðốc Chung Tấn Cang không nhận được bất một lệnh lạc gì của chính phủ của Bộ Tổng Tham Mưu. Tướng Quân Chung Tấn Cang chứng tỏ khả năng nhìn xa hiểu rộng của một vị tướng tài trong QLVNCH, ông đã có kế hoạch sẵn sàng chờ lệnh là thi hành, nhưng lệnh không có thì không lẽ ông bó tay chờ CSBV đến tiếp thu BTL Hải Quân mà ông đang ngồi ở đó. Ðô Ðốc Chung Tấn Cang tự ý ra lệnh cho hạm đội của quân chủng Hải Quân “Lên Neo” và tất cả những chiến hạm, tàu tuần duyên, các giang đoàn còn khiển dụng nhổ neo ra khơi theo lệnh của ông để khi được lệnh của thượng cấp là quay tàu về giải cứu Sài Gòn mà bài viết “Một Thoáng Suy Tư” của Hải Quân Ðại Tá Nguyễn Bá Trang, nguyên tư lệnh đơn vị Ðặc Nhiệm Thủy Bộ 211 đã mô tả chi tiết về cuộc hành quân triệt thoái này.
Ðô Ðốc Cang tâm sự với tôi rằng, đến bây giờ (nghĩa là 6 năm trước đây), ông tự cho mình là một quân nhân vô kỷ luật, không chờ lệnh thượng cấp, tự ý ban lệnh hành quân triệt thoái cho các đơn vị dưới quyền. Ðô đốc vừa nói đến đó. bỗng ông nở một cười tươi dù mình vô kỷ luật nhưng đã cứu được hơn 40 chục ngàn nhân mạng được các chiến hạm Hải Quân VNCH chở ra khơi và đến bến bờ tự do an toàn.
Ðô Ðốc Cang sau khi uống thêm một ngụm rượu vang nữa, ông cười tươi hơn, ông nhìn tôi nói thật tình với lòng ông: “Chú nghĩ coi, tôi đã bảo toàn được hầu hết các chiến hạm, tàu thuyền của Hải Quân QLVNCH, đưa đi an toàn, nếu trị giá bằng đô la Mỹ, các tàu chiến cũng trị giá hàng triệu triệu, người Mỹ để vậy hoặc tân trang lại viện trợ cho các nước khác mà họ cũng tính ra bằng đô la. Nếu người Mỹ biết điều, họ thưởng cho chúng tôi, Hải Quân VNCH chừng vài ngàn hay vài chục ngàn đô mỗi chiếc tàu chiến, chắc ngày nay cuộc sống của tôi và anh em Hải Quân không phải cơ cực làm việc lao động tầm thường như tôi đã trải qua.”
Những lời nói chân tình của Ðô Ðốc Chung Tấn Cang, dù nói chơi hay nói thật cũng làm cho chúng ta suy nghĩ. Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ không muốn cho nhiều người VN di tản ồ ạt sang Hoa Kỳ, họ muốn bỏ lại tất cả tài sản và QLVNCH cũng phải làm như vậy. Một hay hai ngày trước cuộc triệt thoái 29 tháng 4, 1975, một phụ tá Bộ Quốc Phòng Mỹ cùng đi với một người Mỹ nói tiếng Việt rất giỏi đến thuyết phục đô đốc ra đi bằng chiếc trực thăng họ đã lái tới đậu ở BTL Hải Quân. Nếu Ðô Ðốc Chung Tấn Cang chỉ biết mình mà không lo đến sự an toàn sinh mạng của các chiến sĩ dưới quyền và đồng bào, thân nhân của Hải Quân, lấy chiếc trực thăng cùng với gia đình bay ra khơi, an toàn cho gia đình ông, dễ dàng quá.
Nếu thế, chúng ta không có gì để phải nói nhiều về Ðô Ðốc Chung Tấn Cang. Chính đô đốc là người anh hùng bảo toàn được tài sản quý giá hàng triệu triệu Mỹ kim của quốc gia VNCH và của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không để lọt vào tay địch. Quan trọng hơn, có trên 40 ngàn người VN đã được di tản an toàn đến bến bờ tự do, biết bao gia đình nhờ có cuộc ra đi của vị chỉ huy “vô kỷ luật” chưa có lệnh của thượng cấp mà tự ý cho lệnh “Lên Neo” mà ngày nay nhiều gia đình ăn nên làm ra.
Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện hương linh Gioan Baotixita Chung Tấn Cang sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa nơi cõi Thiên Ðàng.
No comments:
Post a Comment