Tưởng nhớ những ngày gian nan chiến đấu bảo vệ quê hương, nhiều bạn đồng ngũ của tôi, những người đã từng chiến đấu lâu năm trên chiến trường Cao Nguyên Miền Nam, lập ra mạng pleikuphonui. Họ nhận diện ra tôi cũng đã có lần làm “công dân” Pleiku và yêu cầu tôi viết về một kỷ niệm trên chiến trường Cao Nguyên.
Cô Thu Ðào, nguyên nữ sinh trung học PleiMe, bảo tôi, “Anh chứng kiến trận đánh PleiMe mà sau này trường em học mang tên; viết về trận PleiMe đi anh.”
Dĩ nhiên tôi có chứng kiến trận PleiMe với tư cách một phóng viên chiến trường, và ngày đó tôi đã viết về PleiMe trên Chiến Sĩ Cộng Hòa, tờ báo chính thức của Quân Ðội VNCH, nhưng tôi không muốn viết lại thêm một lần nữa trận đánh mà tôi chỉ chứng kiến. Tôi muốn viết về một trận đánh trên Cao Nguyên mà tôi đã thật sự tham dự: trận phục kích trên đèo Mang Yang năm 1954, một trận đánh 56 năm về trước.
Trận phục kích trên đèo Mang Yang
Trận phục kích khiếp đảm này xẩy ra vào ngày 24 tháng Sáu 1954, ngày tôi vừa tròn 23 tuổi đời; mang cấp bực trung úy, chỉ huy một đại đội thuộc Tiểu Ðoàn 9 Sơn Cước, tiểu đoàn hoàn toàn Việt Nam đầu tiên trên Ðệ Tứ Quân Khu (lãnh thổ sau này được tái mệnh danh là Quân Khu II).
Anh Bùi Quyền bảo tôi là khóa học của anh tại trường Võ Bị Quốc Gia có giảng dạy về trận Mang Yang.
Có thể nói trận phục kích này là trận giao tranh quyết liệt cuối cùng trên chiến trường Việt Nam, giai đoạn thứ nhất – 1945-1954.
Ðơn vị bị phục kích gồm có Lực Lượng Lưu Ðộng 100 của Pháp và tiểu đoàn khinh quân 520, tiểu đoàn trưởng là thiếu tá Nguyễn Bính Thinh, thường viết văn ký tên An Khê. Tiểu đoàn 9 Sơn Cước, đơn vị tôi phục vụ, giữ trọng trách đoạn hậu và ở lại phòng vệ An Khê. Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi là đại úy Nguyễn Văn Phước, sau này làm trưởng phòng Nhì bộ Tổng Tham Mưu và tử nạn trực thăng.
Ðược coi là một đơn vị có thành tích chiến đấu lẫy lừng trên một chiến trường mang tính quốc tế vì sự có mặt của quân đội hầu hết các quốc gia trên thế giới, Lữ Ðoàn 100 gồm 2 tiểu đoàn Korea 1 và Korea 2, hai đơn vị đã chiến đấu oai dũng trong những trận giao tranh với chí nguyện quân Trung Cộng tại Chipyong-ni, tại Wonju và tại đỉnh Arrowhead Ridge.
Ðến chiến trường Việt Nam, và để trở thành một lực lượng cấp Lữ Ðoàn, cánh quân từ Triều Tiên đến được tăng cường bằng lực lượng “commando Bergerol”, trung đoàn 10 pháo binh thuộc địa, tiểu đoàn lưu động 43 bộ binh thuộc địa, và chi đoàn 3 thiết kỵ.
Một tuần lễ trước khi trận “đèo Mang Yang” xẩy ra, tôi có duyên được gặp đại tá Barrou (tôi không tìm được first name của ông ta), tư lệnh Lũ Ðoàn 100, tại cây số 16 trên đường thuộc địa 19 (sau này là quốc lộ 19).
Ðại đội tôi có nhiệm vụ mở đường 19 từ An Khê ra đến một địa điểm nào đó, càng xa càng tốt, cho đến thời điểm chúng tôi “bắt tay” được với Lữ Ðoàn 100, từ Pleiku đổ xuống.
Sơ đồ đường 19, từ Pleiku đổ xuống Quy Nhơn, An Khê nằm đúng chính giữa - trên cây số 90, tính từ Pleiku xuống hay tính từ Quy Nhơn lên. GM 100 bị phục kích tại cây số 15.
Ðèo Mang Yang, địa hình lý tưởng cho một cuộc phục kích
Cái “bắt tay” không mấy thân thiện
Ngay khi tôi vẫy tay ra hiệu cho đoàn công voa của Lữ đoàn 100 ngừng lại, thì một anh Tây khoảng 40 tuổi từ trên chiếc command car (loại xe jeep lớn) bước xuống. Anh cổi trần, hông đeo khẩu Colt 12 (giống khẩu súng tôi đang đeo), đến đứng trước mặt tôi, xấc xược hỏi: “Tu es un lieutenant?” (mày là trung úy phải không?) Anh ta biết cấp bực của tôi, vì tôi mang hai con đỉa trên nắp túi áo. Ngày đó quân đội quốc gia Việt Nam còn dùng lon Pháp.
Hắn không đeo lon, nhưng chỉ riêng việc hắn ngồi xe command car với 4, 5 cây ăng ten chi chit cũng đủ để tôi đoán hắn là một sĩ quan cao cấp; nhưng đã không đeo lon, hắn lại ăn nói xấc xược (tutoyer) giúp tôi có quyền xấc xược lại. Tôi bảo hắn, “Oui. Et toi?” (Tao là trung úy, đúng rồi. Còn mày là gì?)
Barrou cười xoà đưa tay vừa bắt tay tôi vừa tự giới thiệu, “Colonel Barrou”.
Tôi giải thích cho Barrou hiểu trên 16 cây số đường vào đến An Khê, đoàn công voa sẽ gặp khoảng 40 trái mìn, mỗi trái tôi đều cắm một cây cờ đỏ và đặt trên đó một nhánh cây lớn.
“40?”
“Trên hay dưới chút đỉnh,” tôi xác nhận.
“Sao anh không gỡ mà chỉ đánh dấu chỗ chôn mìn?”
“Tôi cần khoảng 15 phút để gỡ mỗi quả mìn, nếu tôi làm công tác gỡ mìn thì giờ này tôi chỉ ra khỏi An Khê khoảng 3 cây số.”
Sau này tôi mới hiểu con số 40 quả mìn làm Barrou kinh hãi: trước khi “bắt tay” với tôi, ông đã bị 2 quả mìn tại PK 22, và “ăn” thêm 3 trái SKZ tại khúc quanh gấp được gọi là “cùi chỏ Tử Thần”, bỏ lại đèo Mang Yang 6 quân xa bị bắn hư hỏng, và chở theo trên 20 thương binh, tử sĩ.
“Anh làm như vậy là rất đúng. Giờ này, anh lên xe đầu hướng dẫn đoàn công voa tránh mìn,” Barrou bảo tôi, ông có vẻ hài lòng vì tôi đã đi qua, và biết rõ đoạn đường đoàn công voa sắp phải lăn bánh vào.
“Tại mỗi chỗ có chôn mìn tôi đều đặt một tiểu tổ ở lại đó, không cho Việt Cộng ra gỡ mìn, gài lại. Tôi sẽ cắt một sĩ quan trong đại đội tôi lên xe hướng dẫn công voa; tôi ở lại đây, chỉ huy cuộc hành quân bảo vệ đường giao thông cho đến khi chiếc xe chót của đoàn công voa vượt qua địa điểm này.”
“Cũng được,” viên đại tá Pháp có vẻ hài lòng, trèo lên xe, trong lúc tôi cắt thiếu úy Ðào, trung đội trưởng trung đội 1 của đại đội tôi lên chiếc xe đầu đoàn công voa để hướng dẫn. Ðào là sĩ quan trừ bị, trình độ đại học, nói tiếng Pháp giỏi nên việc hướng dẫn một đoàn công voa Tây –công voa của Lữ Ðoàn 100- về An Khê rất xuông sẻ.
Ðại tá Barrou quen lối đánh trận địa chiến trên chiến trường Triều Tiên, có vẽ lọng cọng với tình hình chiến trường mới, chỗ nào cũng có mìn, chỗ nào cũng có địch; có thể ông thấy thiếu, và thèm thuồng một chiến tuyến rõ rệt: bên này là ta, bên kia là địch.
Công việc mở đường nguy hiểm và không lần nào tránh khỏi tổn thất, nhưng đó lại là việc chúng tôi thường xuyên phải làm. Hai tuần một lần chúng tôi mở đường để công voa dân sự đưa tiếp tế từ Pleiku lên An Khê. Công việc nguy hiểm, nhưng cũng đã quen nên chúng tôi biết cách giảm thiểu tổn thất.
Chúng tôi không ngờ nghệch đưa ngực ra cho địch ẩn núp hai bên lề đường bắn sẻ; chúng tôi lại còn tiên hạ thủ -đánh địch trước- để tranh thế thượng phong.
Một vài tiên liệu nho nhỏ giúp chúng tôi tránh được nhiều mánh khóe của địch. Chúng biết hai ngày thứ Năm đầu tháng và giữa tháng là hai ngày chúng tôi đón đoàn xe tiếp tế trên đường 19.
Khuya thứ Năm, vài tiếng đồng hồ trước khi chúng tôi hành quân mở đường, chúng gài mìn cá nhân, bố trí xạ thủ bắn sẻ trên những con đường mòn dài theo hai bên đường, vì chúng biết, toàn bộ lực lượng chúng tôi không đi cả trên mặt đường mà chia thành 3 cánh, chỉ một cánh có trách nhiệm rà mìn đi giữa đường, hai cánh khác đi theo hai con đường song song với đường cái.
Sáng thứ Tư, tôi thường gửi vài toán biệt kích lẻn vào rừng, phục kích, gài mìn, trên những con đường mòn từ mật khu của chúng đổ ra đường 19. Chúng không cho đoàn xe tiếp tế tiến vào An Khê bằng đường 19, chúng tôi cũng không cho chúng đến gần đường 19. Do đó đi gài mìn, chúng lại thường vấp mìn và bị phục kích trước.
Biện pháp phục kích đánh phục binh địch giúp chúng tôi dành quyền tạo bất an cho chúng trên đường chúng di chuyển; võ “gậy ông đập lưng ông” khiến hoạt động gài mìn của địch trên đường 19 giảm đi nhiều.
Nhưng hôm nay hoạt động của chúng gia tăng rõ rệt: chắc chắn cũng được tin Lữ Ðoàn 100 vào chiến trường, chúng vận dụng một lực lượng lớn hơn thường khi để dàn chào những người mới đến. Ðêm hôm trước 4 toán biệt kích tôi gửi đi phục trên đường di chuyển của địch, đều đụng độ với những toán đánh mìn đổ ra đường 19; vậy mà suốt buổi sáng nay chúng tôi vẫn còn bận rộn với 14 toán đánh mìn chống chiến xa, kích hỏa bằng điện trở, không kể những quả mìn chống cá nhân, và mìn định hướng.
Dồn nỗ lực vào việc khiêng vác mìn, bọn đặc công đánh mìn không được võ trang đủ mạnh để giao tranh, nhưng chúng tôi cũng bị tổn thất khá nặng, vì mìn, bẫy của chúng. Tôi trình bầy với Barrou là tôi có nhu cầu tản thương 16 người lính đã được băng bó tạm, và 10 quân nhân tử trận, yêu cầu ông cho 3 chiếc xe tản thương lên đầu đoàn xe để giúp chúng tôi đưa thương binh về An Khê.
Chỉ sau này, chiến trường Việt Nam mới có trực thăng, ngày đó việc tản thương vô cùng khó khăn, và những người bị thương nặng ít hy vọng được cứu sống.
Barrou cho tôi biết những chiếc xe cứu thương của ông cũng đã đầy thương binh vì hai trận phục kích trước, và bảo tôi đưa thương binh lên bất cứ quân xa nào còn chỗ trống.
Trước khi gặp toán mở đường chúng tôi, đoàn xe của GM 100 cũng đã đụng trận 2 lần, mỗi lần họ tốn hai tiếng đồng hồ và một số thương vong, nên Barrou tỏ ra phấn khởi được chúng tôi đón ở PK 16, tính từ An Khê ra.
Ðoàn công voa ầm ầm chuyển bánh, nhưng lại êm ái trườn đi, không một tiếng mìn, không một tiếng súng; bẩy giờ tối hôm đó, chiếc xe cuối cùng vượt qua cứ điểm chúng tôi trấn giữ trên đường 19. Tôi gọi tiểu đoàn báo cáo công tác hoàn tất, và đề nghị với tiểu đoàn trưởng là chúng tôi không rút trở về An Khê, mà nằm lại tại chỗ, để tránh nguy hiểm trong cuộc rút quân đêm.
Ðại úy Phước đồng ý; tôi xin ông cho toán quân y tiểu đoàn đón những thương binh và tử sĩ của đại đội tôi được đoàn công voa Pháp đưa về An Khê.
Thiếu úy Khỏe, đại đội phó hỏi tôi về bữa ăn tối của binh sĩ.
“Ăn lương khô dằn bụng,” tôi ra lệnh. “Tuyệt đối không củi lửa. Mỗi trung đội giữ thế phục kích ngay tại chỗ mình đang chiếm lãnh.” Tôi chủ trương giữ lợi thế của lực lượng không di động đêm, nhường cho địch việc làm nguy hiểm này.
Ðêm hôm đó trung đội 2 của thiếu úy Tự bắn hạ 3 anh du kích mò ra đường cái thám thính.
Tôi mừng vì suốt đêm đại đội không tổn thất thêm sau khi đã tổn thất khá nặng để giải tỏa 16 cây số đường 19. Sáng hôm sau, đại đội 4 được gửi ra đón chúng tôi; có lẽ tiểu đoàn sợ sau khi tổn thất đến gần 1/4 quân số, chúng tôi không còn tự lực mở đường trở về được. Ðiều đó có thể xẩy ra nếu tôi vội về ngay đêm hôm trước.
Trưa hôm sau, chưa về đến An Khê, tôi đã nhận được lệnh đưa đại đội lên tăng cường cứ điểm Núi Nhọn, một ngọn núi nằm cách An Khê khoảng 6 cây số trên đường 19 hướng đổ xuống Quy Nhơn.
Thường khi Núi Nhọn chi do một trung đội trấn thủ; để thiếu úy đại đội phó hướng dẫn đơn vị đến vị trí mới, tôi vào phòng hành quân dự phiên họp giữa lực lượng trú phòng An Khê và GM 100.
Trong buổi họp hành quân tôi được biết Lữ Ðoàn 100 nhận trọng trách đổ xuống duyên hải bằng đường 19 để tấn công Liên Khu 5 của Việt Cộng, họ đóng vai mũi dùi tấn công thứ nhì, phối hợp với lực lượng đổ bộ đã vào Quy Nhơn trước đó.
Ðại đội tôi được đưa lên tăng cường căn cứ Núi Nhọn, trong dụng ý yểm trợ cuộc tiến quân của GM 100. Vai trò yểm trợ được quan niệm máy móc, vì ngoại trừ những quân nhân Pháp thuộc GM 100 mới vào chiến truờng, toàn thể sĩ quan trong phòng họp đều hiểu Núi Nhọn không có khả năng yểm trợ bất cứ một đơn vị bạn nào hành quân cách đỉnh núi 6 cây số. Hoả lực pháo binh của Núi Nhọn là một khẩu đại bác 75 ly của Pháp, loại cũ kỹ đã bị phế thải từ sau Thế Chiến II. Chúng tôi quen gọi nó bằng cái tên Tây của nó là canon soixante quinze, nó ngồi trên hai vỏ xe bơm, một đã xẹp từ nhiều năm nay.
Một chiến cụ cổ lỗ nữa của Núi Nhọn là cái ống dòm thu ngắn 16 lần được đặt trên giá 3 chân, một trong 2 ống nhắm bị mảnh đại bác địch phá vỡ, nhưng mắt thứ nhì vẫn tốt.
Sau khi nghe thuyết trình, tôi thấy lo ngại về cuộc tiến quân của GM 100 xuống duyên hải, tôi góp ý là con đường 19 khúc giữa An Khê và Quy Nhơn đã bỏ hoang phế từ nhiều năm nay, chắc chắn sẽ không thuận lợi cho việc chuyển vận những quân cụ nặng, như thiết giáp, pháo binh. GM 100 có 12 chiếc thiết giáp của trung đoàn 5 thiết kỵ và 12 khẩu 105 ly của trung đoàn 10 pháo binh thuộc địa, cộng thêm một số quân xa khoảng trên 200 chiếc. Tôi trình bày là ngoại trừ những quân xa nhẹ như jeep và dodge 4x 4, không chiếc nào qua cầu được.
Thổ công binh sửa một cây cầu trên đường 19
Buổi họp hành quân, nói là để phối hợp giữa lực lượng lưu động GM 100 với lực lượng địa phương gồm tiểu đoàn 9 sơn cước và tiểu đoàn 520 khinh quân, không đạt được một kết quả cụ thể nào.
Chúng tôi cho người Pháp biết tình hình địa phương, nhưng các sĩ quan Pháp coi thường ý kiến của sĩ quan Việt Nam, nhất là đại tá Barrou, người đang chỉ huy một lực lượng mạnh gấp 3 lần lực lượng Việt Nam trấn đóng tại An Khê.
Họp xong, tôi vội vàng ra xe định đi về căn cứ Núi Nhọn để xem cách bố trí địa điểm từ giờ này sẽ là trách nhiệm của tôi.
Thiếu úy Tự chờ tôi ngoài xe và báo cáo cho tôi biết là ống dòm “một mắt” ghi nhận nhiều vận chuyển đạn dược của địch đến cây cầu gẫy An Túc, trên đường 19, cách Núi Nhọn khoảng 5 cây số. Tự nói trong 5 tiếng đồng hồ chót, quan sát viên ghi nhận 21 chuyến molotova đổ đạn xuống đầu cầu.
Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì một câu hỏi từ đằng sau vọng tới, “Qu’est ce qu’il te raconte?”
Người hỏi là thiếu tá Muller, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 43 lưu động của Pháp. Anh ta ngồi cạnh tôi trong buổi họp tham mưu. Muller đã sống trên chiến trường Việt Nam khá lâu; so với những sĩ quan Pháp thuộc trung đoàn Triều Tiên, anh tỏ ra hiểu biết hơn.
Tôi kể lại những điều Tự báo cáo với tôi, lấy bản đồ ra vạch đỏ địa điểm địch đang đổ đạn xuống, rồi bảo anh, “trong tiểu khu An Khê chỉ riêng mình tôi có khẩu đại bác 75 ly có thể bắn tới cây cầu này. Ngoài ra trọng pháo của An Khê chỉ có đến súng cối 81, vói không tới.”
“Anh muốn sử dụng những khẩu 105 của Lữ Ðoàn?”
“Tôi không nghĩ là mình có sự lựa chọn nào khác.”
Tối hôm đó căn cứ Núi Nhọn được tăng cường một toán DLA (detachement de liaison d’artillerie) của GM 100. Một pháo đội 4 cây 105 bắn phá đống thùng đạn được xe Molotova chở đến đổ bên kia cầu.
Sáng hôm sau, Miller rủ tôi ra xem hiện trường; ngoài những thùng đạn cho súng trường, trung và tiểu liên tôi thấy nhiều thùng mìn, và đạn súng không giật. Tôi bảo anh ta, “Chúng chuẩn bị phục kích cuộc di chuyển của Lữ Ðoàn xuống Quy Nhơn.” Muller gật gù; anh hiểu là tôi nhận xét đúng. Mìn và súng không giật là lợi khí cho những cuộc phục kích đánh công voa.
Tối hôm đó, đại úy Phước gọi tôi về ăn cơm chiều tại câu lạc bộ sĩ quan. Tôi ngồi cùng bàn với ổng và những đại đội trưởng thâm niên như Văn Bá Ninh, Nguyễn Khắc Tuân. Phước cười hỏi tôi, “Anh hù tụi Tây kí gì mà tôi thấy tụi nó có vẻ không tính đổ xuống Quy Nhơn nữa.”
Tôi kể lại cuộc pháo kích của GM 100 vào kho đạn lộ thiên của Việt Cộng bên đầu cầu An Túc.
Tuân bảo tôi, “Mày làm phước cho tụi nó đó, chứ vượt cầu An Túc là không còn thằng nào trở về An Khê được.”
Ninh, “Dỡn hoài. Tuần nào tôi không vượt cầu An Túc, tuần trước tôi còn vào quậy trong K’Nack mà cũng chỉ vướng 2 con vì mìn.”
Chiến trường Cao Nguyên thật khó nói. Cả hai anh Tuân và anh Ninh đều đúng: GM 100 vượt cầu An Túc trực chỉ Qui Nhơn, thì quả là không còn một hy vọng nhỏ nào có thể quay trở về An Khê. Họ sẽ bị đánh tan trên những đoạn đường đồi gần Bình Ðịnh. Nhưng Ninh cũng không sai, anh từng đi săn nai trong những khu Việt Cộng gọi là khu giải phóng.
Chúng tôi thảo luận về chuyện đi hay không đi Qui Nhơn của Lữ Ðoàn 100, tôi nêu lên nhận xét, “Nếu muốn đón đánh Lữ Ðoàn 100 trên đường đổ xuống Quy Nhơn, thì Việt Cộng đã không cần đổ đạn ở đầu cầu An Túc.”
Ninh đặt dao, nĩa xuống bàn hơi vội, để có hai bàn tay trống vỗ vào nhau, rồi nói như thét lên, “Mày thấy đúng. Thằng Việt Cộng mưu đồ chuyện gì khác chứ không phải chuyện đón đánh GM 100 đổ xuống Qui Nhơn.”
Trong lúc chúng tôi đoán mò, thì thiếu tướng De Beaufort, tư lệnh Quân Khu IV ra lệnh cho Lữ Ðoàn 100 rút trở về Pleiku. Phòng nhì quân khu báo cáo với ông ý đồ của địch là bỏ trống Liên Khu 5, kéo đại quân của chúng lên bao vây An Khê để tái diễn một Ðiện Biên Phủ khác.
Từ đoạn này trở đi, tôi viết theo tài liệu quân sử, vì Tiểu Ðoàn 9 Sơn Cước bị bỏ lại phòng thủ An Khê, tôi không tham dự và cũng không tận mắt chứng kiến cuộc phục kích Mang Yang ngày 24 tháng Sáu 1954.
Ðại tá Barrou đi trên một chiếc jeep mui trần, theo sau một chi đội thiết kỵ gồm 3 chiếc half-trucks, loại xe bọc sắt có thùng trống phía sau, và 2 chiếc M- 8, loại chiến xa nhẹ. Không yểm chỉ gồm 2 chiếc thám thính cơ nhỏ lượn quanh đoàn công voa.
chiến xa M-8 và loại halftruck sử dụng trên chiến trường Việt Nam trước năm 1954
Ðúng 14 giờ 15, Barrou nhận thấy có dấu hiệu xáo trộn, đoàn xe mở đầu công voa chạy nhanh hơn, ông gọi điện ra lệnh giữ tốc độ bình thường. Chưa kịp buông ống nói xuống thì Barrou đã nghe tiếng đại liên, lựu đạn, và súng không giật nổ dài theo đoàn công voa.
Chỉ trong 4 phút ngắn ngủi, chi đội thiết kỵ bị tiêu diệt trước mắt ông: toàn bộ 3 chiếc halftrucks và một chiếc M- 8 bốc cháy dữ dội.
Lúc đó ông còn ở cây số thứ 15, một cây số sâu vào vùng an toàn tôi đón ông tuần trước.
14 giờ 25, một trái 57 không giật bắn nổ tung chiếc dodge 4x4 truyền tin bên cạnh Barrou, tước mất phương tiện chỉ huy bằng vô tuyến của ông.
Chỉ còn khẩu lệnh để chỉ huy người sĩ quan đứng gần ông nhất, Barrou bảo đại úy Fievet, đại đội trưởng Tổng Hành Dinh của Lữ Ðoàn tập trung lực lượng để phản công. Nhưng ông chưa nói dứt câu thì một viên đạn trúng đùi đã đẩy ông ngã chúi vào rãnh thoát nước bên đường 19; Fievet bị thương nặng hơn, nằm cạnh ông, và Barrou chứng kiến vị sĩ quan này tắt thở.
Trung tá Lajouanie, trung đoàn trưởng trung đoàn Triều Tiên đưa quân lên tấn công ngọn đồi từ đó xuất phát hỏa lực phục kích; ông sử dụng chiếc M- 8 cuối cùng trong cố gắng tuyệt vọng này; binh sĩ Pháp tiến sau chiếc thiết giáp, nhưng ngay sau khi chiếc M- 8 bị bắn cháy, lực lượng đánh lên đồi, mất chỗ núp, bị khẩu đại liên bố trí giữa lưng đồi thanh toán. Trung tá Lajounie gục ngã.
Barrou cố bò đến chiến M- 8 thứ nhì bị bắn cháy nhưng khẩu đại liên vẫn còn nguyên vẹn; có lẽ ông muốn sử dụng hỏa lực này để bắn trả lại địch, nhưng ông vừa lên đến pháo tháp thì một tràng đại liên đã quạt ông ngã trở xuống mặt đường.
Một quân nhân thuộc tiểu đoàn 43 lưu động cõng ông về xe cứu thương của tiểu đoàn rồi bỏ đó, anh ta không biết ông là tư lệnh lữ đoàn. Thiếu tá Muller bận rộn bố trí tiểu đoàn ông chống lại lực lượng phục kích.
Hai chiếc quân xa của tiểu đoàn 43 chạy thoát đến đồn PK 22 cầu cứu, nhưng chỉ do một đại đội trấn đóng, đồn này cũng không có khả năng tiếp viện. Ðồn trưởng gọi về Pleiku báo cáo.
Tiểu Ðoàn 520 Khinh Quân cũng tổn thất nặng nề, nhưng tài liệu khinh bạc của Pháp ghi nhận là binh sĩ Việt Nam bỏ chạy vào rừng để thoát thân.
Thiếu tá Kleinmann, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Triều Tiên bố trí lực lượng quanh những chiếc xe còn ngùn ngụt cháy để chống lại cuộc xung phong của Việt Cộng. Ông sử dụng pháo binh, bắn trực xạ vào lực lượng địch, khiến áp lực địch giảm bớt.
16 giờ 20 bốn chiếc B- 26 của không quân bay đến trợ chiến. Quân Pháp lên tinh thần nhưng hai chiến tuyến đã quá gần nhau, nên hoả lực không yểm giết cả lính Pháp lẫn Việt Cộng.
Sự can thiệp của không quân không chặn đứng được cuộc tấn công, mà còn khiến lực lượng Việt Cộng cố gắng xung phong vào gần hơn để phi công không dám sử dụng bom, vì sợ giết quân Pháp.
Tư lệnh quân khu đưa GM 42 tiến về đồn PK 22, và ra lệnh cho thiếu tá Kleinmann chạy bộ về PK 22 để “bắt tay” với GM 42; Kleimann thảo luận với thiếu tá Guinard, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Triều Tiên, và thiếu tá y sĩ Varme-Janville.
Họ quyết định rời mặt đường, băng rừng để tiến về đồn PK 22. Janville hỏi 2 tiểu đoàn trưởng về số phận của những thương binh. Guinard nói không thể khiêng họ băng rừng được, Janville bảo họ, “Hai anh đi may mắn; tôi ở lại với thương binh.”
PK 15 trở thành mồ chôn của Lữ Ðoàn Triều Tiên. Ba tiểu đoàn 43, 1 và 2 Triều Tiên vào An Khê với quân số lý thuyết đầy đủ 834 quân nhân, giờ này tiểu đoàn 43 còn 452, tiểu đoàn 1 Triều Tiên còn 497, và tiểu đoàn 2 Triều Tiên còn 345.
Lữ Ðoàn mất 85% xe cơ hữu, 100% đại bác, 68% dụng cụ truyền tin, và 50% vũ khí cá nhân, đại, trung liên. Lữ Ðoàn Trưởng, đại tá Barrou, bị thương và bị bắt làm tù binh.
Ðoạn đầu của bài báo, tôi viết căn cứ trên trí nhớ, chắc chắn không thể tránh được nhiều thiếu xót, sai lầm, xin bạn đọc điểm khuyết cho. Ngoài mục đích làm vui những người bạn Phố Núi Pleiku, tôi còn mang một hy vọng nhỏ nữa là nguời bạn văn của tôi, anh An Khê-Nguyễn Bính Thinh, đọc về trận đánh thê lương này và liên lạc với tôi.
Nguyễn Ðạt Thịnh
No comments:
Post a Comment