HUẾ (NV) - Vào cuối tháng 3 năm 1975, trong khi quân đội VNCH rút khỏi Vùng I Chiến Thuật, chúng ta đã để lại trên chiến trường, nhất là ở các bãi biển Thuận An, thuộc tỉnh Thừa Thiên hàng nghìn chiến sĩ, tuy thiện chiến, nhưng cuối cùng đành phải buông súng và chết trong tức tưởi.
Lăng trong khu nghĩa trang mới, nơi cải táng 132 hài cốt tử sĩ VNCH thiệt mạng trong những ngày cuối cùng cuộc chiến, tháng 3, 1975, ở Thừa Thiên. |
Cho mãi đến tháng 7 năm nay (2010), với sự trợ giúp tài chánh của đồng bào hải ngoại, Hoa Kỳ và Canada, và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đồng bào thôn An Dương đã có phương tiện di dời hài cốt của các tử sĩ từ ngoài bờ biển vào đất liền với mộ phần khang trang, có bia mộ và nhà lăng.
Trong dịp này đồng bào thôn An Dương chỉ sưu tầm được 132 bộ hài cốt gói trong poncho. Tiếc thay, trong số này chỉ có 7 thẻ bài và một căn cước của những người đã hy sinh. Căn cứ vào số quan, hầu hết các từ sĩ chết ở tuổi 20, 22 vào tháng 3 năm 1975.
Số 132 bộ hài cốt này được cải táng, mỗi hài cốt được đặt vào một quan tài riêng, loại quan tài nhỏ gọi là cách tiểu hay cái quách. Mỗi mộ phần có đánh dấu nhưng chỉ có hài cốt có thẻ bài là có tên.
Trong khu đất mới, 132 mộ phần này được chia làm 4 khu, ở giữa là lăng và bia thờ.
Hiện nay việc cải táng và xây lăng mộ đã hoàn tất tốt đẹp, đồng bào thôn An Dương có ước nguyện là tổ chức một lễ trai đàn chẩn tế cho chư vị âm linh, cô hồn trong cuộc chiến vừa qua, nhất là những tử sĩ đã bỏ mình tại bãi biển An Dương.
Người đã có tấm lòng nhân ái, vận động từ bà con, thân hữu tại hải ngoại để có đủ số tiền $8,000.00 để cải táng và xây lăng mộ là chị Tố Thuận là người sinh sống từ nhỏ tại làng An Dương, nơi có phần mộ tử sĩ và đã chứng kiến qua các biến cố tang tóc vào cuối tháng 3 năm 1075 tại Thuận An. Chị Thuận hiện nay cư ngụ tại Sacramento, là một quả phụ VNCH. Chồng chị là anh Lê Văn Hội, một hạ sĩ quan Quân Cảnh thuộc TTHL Ðống Ða, Huế đã mất tích vào những ngày cuối cuộc chiến (tháng 3 năm 1975) tại bãi biển Ðà Nẵng.
Bia thờ trong khu nghĩa trang nơi vừa cải táng 132 tử sĩ VNCH. |
Danh sách các quân nhân VNCH tử trận tại bãi biển Thuận An - Huế vào tháng 3-1975 (đã tìm thấy thẻ bài).
Căn cứ vào số quân trên thẻ bài, chúng tôi xin ghi lại năm sinh của các tử sĩ để gia đình dễ nhận ra thân nhân của mình.
1. Nguyễn Văn Vân sinh năm 1954 SQ:74/144-016 Loại máu O.
2. Tiếc Dục sinh năm 1955. SQ:75/145-256 Loại máu: A.
3. Trần Ngọc Anh sinh năm 1954 SQ: 74/108- 532 Loại máu: O.
4. Lê Văn Phương sinh năm 1953 SQ: 73/156-263 Loại máu : O.
5. Trần Văn Ðược sinh năm 1954 SQ: 74/164- 292 Loại máu; A+B.
6. Ðinh Văn Kiêm sinh năm 1943 SQ: 63/212-486 Loại máu: O.
7. Ngô Ðắc Hùng sinh năm 1955 SQ: 75/ 206-046 Loại máu O.
8. Nguyễn Văn Dục sinh năm 1937 SQ: 57/000-706 Loại máu: O.
9. Hồ Thành Bảy sinh ngày 20/1/1931 tại Phong Dinh.
Cha: Hồ Văn Miên; Mẹ: Nguyễn Thị Chon.
Ðịa chỉ: Xã Tân Bình, huyện Thủ Ðức, tỉnh Gia Ðịnh.
Hiện nay vì sự an toàn của quý ân nhân hiện nay đang còn ở tại quê nhà, mọi sự liên lạc, xin gọi cho chị Tố Thuận ở số (916) 273-2989 để được hướng dẫn bốc mộ nếu có thân nhân trong số có thẻ bài, cũng như để rõ thêm chi tiết, hay gọi cho Huy Phương (949) 241-0488 là người đang giữ các thẻ bài của quý vị tử sĩ.
Nếu cần biết thêm chi tiết của cuộc cải táng (có chiếu đoạn phim bốc mộ), xin theo dõi buổi buổi nói chuyện của chúng tôi với chị Tố Thuận trong chương trình Huynh Ðệ Chi Binh của đài truyền hình SBTN, vào ngày Thứ Năm 2 tháng 12 vào lúc 1:00PM và Thứ Bảy 4 tháng 12 vào lúc 10:00PM (giờ California).
WESTMINSTER - Một quả phụ Việt Nam Cộng Hòa, biệt tin chồng trong suốt 35 năm từ những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, nay, nhận được tin tức từ nước ngoài truyền về, người quả phụ ấy tìm lại được mộ chồng, chỉ cách căn nhà đang ở có... 15 km.
Lăng mộ trong khu nghĩa trang mới, nơi người dân An Dương, Phú Vang, Huế, cải táng 132 hài cốt tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng trong những ngày cuối cùng cuộc chiến, tháng 3, 1975, ở Thừa Thiên. (Hình: Huy Phương cung cấp) |
... 35 năm trước
Sáng ngày 21 tháng 3, 1975, trong cơn hỗn loạn của thành phố Huế, khi quân đội rút về phía Nam và dân chúng gánh gồng chạy loạn, bà Lê Thị Tịnh đem các con chạy vào Ðà Nẵng. Ngang qua Dạ Lê, bà ghé thăm người chồng, Thượng Sĩ Ðinh Văn Kiếm, trưởng Tổng Ðài Siêu Tần Số, thuộc Tiểu Ðoàn I Truyền Tin, Sư Ðoàn I Bộ Binh (SÐ 1 BB).
Tại đây, Thượng Sĩ Kiếm nói với vợ, hãy “yên tâm đem các con đi trước, anh sẽ theo đơn vị đi sau.”
Họ chia tay, không biết rằng, đó là lần cuối cùng gặp mặt...
Sau ngày Sài Gòn thất thủ, nhiều người chạy giặc vào Sài Gòn đã bắt đầu trở về. Bà Tịnh vẫn biệt tin chồng. Qua nghe ngóng tin tức, bà biết “nhiều anh em Sư Ðoàn 1BB bỏ xác tại bãi biển Thuận An trong lúc chờ tàu vào cứu nạn.” Nghe theo lời khuyên, bà Tịnh nhiều lần cố tìm về bãi biển này để dò la tin tức.
Mấy ngày đầu, đường sá bị phong tỏa. Thời gian sau, dấu vết nhạt dần, rồi không còn nữa. Không ai dám hé môi tiết lộ một lời.
Lòng bà Tịnh nhen nhúm chỉ một niềm hy vọng: “Biết đâu anh lại có cơ hội lên tàu di tản sang Mỹ.”
Bà Tịnh chờ đợi!
Một năm, rồi 2 năm, rồi 5 năm trôi qua, tin chồng vẫn biệt mù.
Bà Tịnh, như hầu hết những người vợ lính cam phận, tần tảo nuôi bốn đứa con trai và một con gái khôn lớn. Nỗi buồn nguôi ngoai cùng ngày tháng.
Người con trai đầu của bà Tịnh, tên Khuê, năm 1980, mới 12 tuổi, đã ra đời vất vả kiếm cơm, với một chiếc bình nhôm và cái ca nhựa, bán nước trà theo những chuyến xe lửa Bắc-Nam mỗi ngày ghé qua ga Huế hay bên chợ Ðông Ba.
Một buổi tối, bà Tịnh không thấy con về. Hai ngày sau, bà lên ga Huế, ra chợ Ðông Ba, hỏi thăm đám bạn bè của con. Không một tin tức.
“Thằng Khuê” mất biệt như cha nó 5 năm về trước, không một dấu vết. Bà Tịnh không biết trình báo với ai, cũng chẳng biết phải đi đâu để tìm con. “Thằng Khuê,” còn sống hay đã chết, mất xác nơi đâu?
Bỗng đâu tin tức tràn về
Ba mươi lăm năm sau cuộc chiến là 35 năm bà Tịnh sống trong chờ đợi, niềm chờ đợi tuyệt vọng về tin tức của chồng và đứa con trai đầu lòng.
Các con bà Tịnh nay đã có gia đình. Bà Tịnh - người mẹ ngày xưa - nay là bà nội, bà ngoại của một đàn cháu đông đúc. Mỗi lần thắp nén hương trên bàn thờ chồng là mỗi lần bà thầm nghĩ: “Không biết anh chết ở đâu, xác bỏ nơi nào.”
Bà đâu có ngờ, chồng bà vẫn ở bên bà đấy thôi. “Anh nằm gần chị đây thôi, trên bãi biển Thuận An, cách nhà chỉ 15 cây số.”
Chỉ 15 cây số, nhưng bà không hề hay biết, trong quảng thời gian dài hơn nửa đời bà, 35 năm!
Một hôm, người em của chồng bà, là Ðinh Văn Xuyên, một cựu quân nhân thuộc Thiết Ðoàn 10 Kỵ Binh, hiện cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ, gọi về, loan tin rằng, qua báo chí, người ta tìm thấy dấu tích của ông Kiếm tại bãi biển Thuận An trong một lần bốc mộ, nhờ tấm thẻ bài mang tên người xấu số.
Di hài Thượng Sĩ Kiếm được dân làng An Dương cải táng vào trung tuần tháng 12 vừa rồi. Tin tức từ trong nước ra được hải ngoại, nay lại bay về quê hương. Hai vợ chồng “ở rất gần nhau,” mà tin lại loan đi hàng vạn dặm mới về đến người cô phụ.
Bà Tịnh, ngay lập tức, cùng các con và người em gái của ông Ðinh Văn Kiếm, đem lễ vật về lạy trước nấm mộ tập thể, trong đó có chồng mình, cha mình, anh mình.
Trong tấm mồ tập thể ấy, Thượng Sĩ Ðinh Văn Kiếm đã yên nghỉ cùng anh em đồng đội và đồng bào của ông trong những ngày cuối của cuộc chiến.
Gia đình ông Kiếm, gồm các em của ông, hiện đang sống tại hải ngoại, nói sẽ giúp phương tiện để đưa ông về nằm chung với phần mộ của gia đình. Còn tạm thời, ông vẫn nằm bên cạnh bạn bè, chiến hữu - những người đã 35 năm chung một nấm mồ xiêu lạc, oan khuất trên đường chạy loạn.
Cũng nhờ tên tuổi trên một chiếc thẻ bài còn lại, ông Trịnh Quốc Thuận, ở Maryland, Hoa Kỳ, nhận ra người bà con cô cậu ruột của mình, là ông Trần Văn Ðược, sinh năm 1954, thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Gia đình đã được báo tin ông Thuận bỏ mình tại bãi biển Thuận An hồi tháng 3, 1975, nhưng không tìm ra hài cốt. Chuyện kể rằng, hồi tháng 4, 1975, khi Sài Gòn chưa thất thủ, một chiến hữu cùng trung đội với ông, sống sót về được Sài Gòn, ghé qua, báo tin cho gia đình đồng đội, rằng ông Ðược đã chết trên bãi biển Thuận An. Trên đường rút lui, trước khi lên tàu, Trần Văn Ðược chết vì trúng mảnh đạn pháo kích của địch quân.
Anh Được có một người em song sinh hiệnsinh sống tại Sài Gòn. Gia đình thường gọi Được là Đen, và người em, Trần Tự Lập là Trắng. Năm 18 tuổi, anh Được tình nguyện vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và thường xa nhà, nên gia đình không biết anh thuộc đơn vị nào, trú đóng ở đâu.
Song thân anh Trần Văn Được ngày nay đều đã không còn, ông bà, cũng như nhiều bậc cha mẹ khác trong chiến tranh, cho mãi đến khi nằm xuống, thương xót, nhưng không được biết một tí gì về tin tức, không tìm ra dấu vết những người con đã chết trong chiến trận.
Người lính Thủy Quân Lục Chiến Trần Văn Được ngã xuống lúc mới 21 tuổi, hãy còn quá trẻ, chưa hề lập gia đình.
Mong anh yên nghỉ. Đời người lính biển, tác chiến trên bộ, theo định mệnh đã chết trên một bãi biển, và giờ đây lại được chôn cất trên bãi biển, dưới những hàng dương mùa Đông gào khóc theo cơn gió giật. Nơi đây, mảnh đất miền Trung cằn cỗi mà anh đã đem hết đời lính để bảo vệ, giữ gìn, nay giữ lấy anh, đưa về cát bụi.
Tiếng sóng vỗ vào bờ cát mỗi đêm ngày đã ru anh, người lính trẻ xa nhà, ngủ giấc nghìn thu.
LTS: Ngày 27 tháng 11, 2010, Người Việt đưa tin người dân An Dương, Phú Vang, Huế cải táng ngôi mộ tập thể gồm 132 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, hy sinh cuối tháng 3, 1975, và được chôn ngay trên bãi biển này. Hôm nay, Người Việt giới thiệu phóng sự của phóng viên Liêu Thái, người đã đến thôn An Dương, trực tiếp gặp một trong những người đứng ra cải táng ngôi mộ tập thể này. Bài gồm 3 phần. Phần một bắt đầu hôm nay.
Biển xâm thực, “ăn” vào rất gần nơi mấy trăm người đã chết hồi tháng 3, 1975. Ðây cũng là địa điểm người dân An Dương tìm thấy, và cải táng, 132 tử sĩ VNCH, chết cách đây 35 năm. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
PHÚ VANG, HUẾ - Tôi gọi đó là cuộc “hành trình xương trắng” - cuộc hành trình dai dẳng trong cơn đau dai dẳng của thân phận người lính thất thủ, chậm chân và chìm vùi trong đất mẹ.
An Dương, đường tôi đi có khác với con đường các anh đi trong biến cố 26 tháng 3, 1975. Không có máu, lửa khói và sự hỗn loạn. Nhưng đường sao mà buồn, thật buồn!
*
Hai bên đường từ ngã ba Phú Bài (quốc lộ 1A - Phú Thuận, Phú Vang), nhìn đâu cũng thấy mộ địa. Có thể nói, chưa bao giờ tôi thấy mộ địa nhiều đến thế, mộ theo kiểu nhà Nguyễn với kiến trúc nhại Pagoda, đình làng, lăng tẩm, mộ theo kiểu sau 1975, “sè sè nấm đất bên đường.” Mộ và mộ!
Nhà ở chen chúc với mộ. Ði suốt đoạn đường 35km, đâu đâu cũng chẳng thấy gì khác ngoài vài con sông buồn buồn, vài con trâu thiu thiu gặm cỏ trong cái mênh mông của đồng chiêm tháng 10, vài mái nhà lưa thưa giữa đồng... Quạnh quẽ và cô tịch.
Cái tên xã Phú Thuận cũng rất xa lạ với người trong vùng, hỏi mãi mà không ai biết cho rành rõ, người thì chỉ lên núi, người lại chỉ xuống biển.
Cuối cùng, khi hỏi “thôn An Dương,” người ta bảo “chỉ có xã An Dương thôi,” làm gì có thôn An Dương nào, và cũng không có xã Phú Thuận nào cả.
Tôi đoán có lẽ thôn An Dương vốn là xã An Dương trước đây, có thể tôi đã đi đúng đường, vì dù gì trước khi đi tôi cũng đã vào Google Earch để xác định tọa độ, chính xác là hướng biển.
Hai ông bà Trần Ðăng Thiện, tại tư gia. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
*
Tôi đến An Dương vào lúc 3 giờ chiều. Lúc này nhìn ra Phá Tam Giang đã thấy thấp thoáng bóng chiều, ghe thuyền bắt đầu kéo về.
An Dương hẹp chư chiếc lá lúa nằm kẹp giữa phía Ðông là đồi cát, rừng dương, biển và phía Tây là Phá Tam Giang mênh mông.
Cũng không khác gì những nơi trên đường đi từ ngã ba Phú Bài xuống An Dương, nơi đây cũng toàn mộ là mộ, người sống chung với mộ. Mới thấy một rừng mộ, đi chưa hết mộ đã gặp mái nhà, gặp chợ, quán xá, gặp người.
Hình như là sống ở chốn cô tịch, u quạnh lâu năm, người An Dương cũng có gì đó khác người, nhìn họ vừa bí ẩn, trầm tĩnh, vừa có chút gì liêu trai, khó nói...
''Bãi biển An Dương, Phú Vang, Huế, trưa ngày 26 tháng 3, 1975: Những người lính từ Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa chạy về Huế, rồi lại chạy ra bờ biển An Dương, đợi lên tàu. Một biển người, chen chúc. Lính miền Bắc lúc ấy đã “tiếp quản” địa phương, họ ngồi trên đồi thông cách chỗ những người lính lên tàu chừng 50m, ngồi và quan sát...'' |
Ðến lúc này, tôi rất muốn lấy số điện thoại của ông Thiện ra gọi để hỏi nhà mà tới một thể, khỏi mất công. Nhưng lại thôi, quyết định tự tìm đến nơi. Hỏi quán cà phê ông Thiện, người ta chỉ: “Hẻm 8, ngay đầu hẻm.”
Khi tôi đến nơi, đã có rất nhiều người xúm lại ở trước nhà ông. Tôi hơi bối rối không hiểu có chuyện gì đây. Mọi người ai cũng nhìn tôi và hỏi: “Ðúng chưa? Ðúng nhà này chưa, quán cà phê ông Thiện đây, làm chi mà có quán DT nào!”
Tôi gật đầu cám ơn, họ tản ra và đi hết. Hóa ra khi tôi lơ ngơ hỏi đường, mọi người để ý thấy tôi tìm lòng vòng nên chạy ra hỏi giúp. Có mấy người phụ nữ và một anh thanh niên chạy xe quanh xóm tìm giúp tôi.
Nhiệt tình và tốt bụng, đó là những gì tôi cảm nhận được trong giây phút đầu tiên ghé nhà ông Thiện. Cũng có thể là khác với những gì tôi nhìn thấy. Dầu gì đi nữa, tôi vẫn có quyền tin là người An Dương tốt bụng.
*
Vào quán cà phê, ngồi dăm phút, cô con gái ra mời tôi vào, ông Thiện đang ở trong nhà. Ðề phòng mọi việc có thể sai sót, tôi lấy máy điện thoại ra gọi vào số ông Thiện. Người ngoài quán “A lô,” người trong nhà cũng “a lô.” Vậy là đúng người rồi.
Ðường vào thôn An Dương: Nhà và mộ liền kề nhau, ven đồi cát. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Tôi tự giới thiệu, và nói về lý do tôi xin được gặp ông. Ông Thiện mời tôi uống trà, pha cho ly cà phê, bảo: “Cậu đi đường lạnh, trời lạnh, cậu uống chén trà, hút thuốc cho bớt lạnh đi rồi mình nói chuyện! À, mình đặt tên quán là DT, cái bảng rành rành vậy đó mà họ cứ gọi ‘quán ông Thiện’. Thôi kệ!”
Tôi cám ơn ông, rồi uống trà, nói chuyện đi đường, chuyện gặp trên đường từ Quảng Nam ra Huế, hỏi chuyện sinh hoạt chùa chiền, kinh sách... Tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện tôi cần hỏi.
*
Tôi cố ý để ông tò mò và đợi lúc ông nổi hứng, tôi xoay sang chuyện bốc mộ, chuyện 132 bộ hài cốt trên bãi biển An Dương mà ông đã cùng với người dân ở đây di dời về nghĩa trang vào tháng 7 năm nay.
Ông có vẻ nghi ngại, ông hỏi tôi thật có phải là người như đã giới thiệu hay tôi là nhân viên an ninh nhà nước. Ông cũng nói thẳng: “Nếu cậu là nhân viên an ninh, điều tra gì đó thì cũng mong cậu thông cảm và không có gì để điều tra đâu. Tụi tui làm việc nghĩa, không có gì khác ngoài hai chữ ‘việc nghĩa’, mong cậu hiểu cho!”
Tôi trả lời ông: “Thưa bác, việc mà bác cùng các bác trong thôn An Dương làm là một nghĩa cử cao đẹp, nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng ở đây, những người lính đã không may mắn có được cái nghĩa tận ấy suốt 35 năm nay. Và bây giờ, bác và các bác ở đây đã thực hiện nghĩa cử ấy. Ðó là công việc tâm linh. Không ai mà không nghiêng mình trước việc làm của các bác!”
Tôi ngừng một lúc, ông thoáng vui. Tôi nói tiếp: “Giả sử con hay ai đó là kẻ xấu, thì cũng không thể xấu với người đã khuất được! Và giả sử con hay ai đó ghét bác chẳng hạn, thì cũng không thể ghét nghĩa cử của bác được!”
Ðến đây, ông Thiện nhìn thẳng vào mắt tôi: “Cậu nói câu này làm tôi hơi lạnh người nè, tôi vốn là người tu hành tại gia lâu nay, tôi tin vào linh cảm của mình lắm, nãy giờ tôi thử cậu thôi, giờ nghe cậu nói vậy tôi tin và hiểu cậu rồi. Một trăm ba mươi hai (132) mộ cậu ạ, con số thật người chết lên xấp xỉ 500 người, tôi biết điều này. Nhưng con số còn lại, qui tập chỉ còn 132 thôi! Biển ăn hết rồi!”
Và, câu chuyện những đoàn quân chen chúc xuống tàu, những ngày tháng 4 đen, nỗi đau thất thủ ở Huế lại hiện về trong giọng nói đượm buồn của ông Thiện...
PHÚ VANG, Huế - Ông Trần Ðăng Thiện nói rằng mình sống hơn sáu mươi năm trên cuộc đời, trải không biết bao thăng trầm và chứng kiến bao điều dâu bể, ông nhận ra “cái màu của mặt đất này - màu quên lãng!”
Từ đụn cát này, người dân An Dương moi thêm mấy mét đất nữa, không tìm thêm được xác nào. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Ông Thiện bảo, nghe tiếng súng, nhưng không thể biết tiếng súng của ai, vì lúc ấy ông “đang ở Ðà Nẵng.” Ông không thể nói thêm gì hơn về tiếng súng.
Còn phía Bắc Việt? Vẫn theo ông Thiện, khi ấy “họ” đã về “tiếp quản.” Họ ngồi trên đồi thông cách chỗ những người lính lên tàu chừng 50m, ngồi và quan sát.
Không khí chiến tranh vẫn còn, khói lửa vẫn còn, nên họ không bao giờ ngồi quan sát mà không cầm súng.
“Họ cũng tốt lắm, có những người bị thương, họ mang về trạm xá cho nằm, nhưng nằm thôi, vì không có thuốc chữa trị, nên mươi ngày, nửa tháng nằm đó rồi hoại thư mà chết. Nhưng dù sao, họ cũng tốt, ít ra họ cũng cho nằm chết trong nhà...” Ông Thiện nói về những người lính Cộng Hòa bị thương trên bãi biển, được lính Bắc Việt mang vào trạm xá.
***
“Có người chết vì chen chúc, giẫm đạp lên nhau, có người chết vì trúng đạn. Lúc đó đếm gần 500 xác. Cả một bãi biển toàn thây người, một màu xanh áo lính và chết chóc... Bà con An Dương không ai rủ ai, cứ tự động mang xẻng, cuốc ra đào đất chôn họ. Hồi đó không có chi để làm hòm ngoài vài tấm chiếu, vài miếng bạt, vài tấm áo mưa! Không có gì hơn, buồn thật, điều này làm tui trăn trở suốt ba mươi mấy năm nay!” Ông Thiện kể, đôi mắt đượm buồn.
Ðường ra hố chôn tập thể. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Ngày 26 tháng 3, 1975, nhìn thấy lính Bắc Việt kéo về, những người lính địa phương quân biết rằng không còn nước rút, vậy là họ giấu vũ khí, ném vũ khí xuống biển, ném tất cả tư trang của đời lính xuống biển, hoặc chôn sâu dưới cát và mặc đồ thường dân.
“Nói đã tìm ra hết các thi hài là nói cho yên tâm, nói cho nguôi ngoai thôi, chứ thực ra làm sao mà tìm hết được, bãi cát bao la, mênh mông, thời gian xóa nhòa mọi thứ vào lãng quên.” (Ông Trần Ðăng Thiện) |
Những người lính từ Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa-Quảng Trị (phần lớn từ miền Nam ra) thì chân ướt chân ráo, không rành địa hình, và hơn hết, họ vẫn mặc nguyên quân phục. Họ ngã xuống như một người lính, máu của họ thấm vào đất An Dương, hòa vào biển mặn.
An Dương ngày ấy, những ngày 26, 27, 28, 29, 30 tháng 3, 1975, đầy xác người và tử khí.
***
Một lần nữa, ông Thiện cố nhấn mạnh trong lúc nói chuyện, rằng ông “không có mặt ở Huế những ngày này,” và câu chuyện ông kể là câu chuyện ông “được nghe lại.”
Ông Trần Ðăng Thiện chỉ hố chôn lớn nhất, vẫn còn mấy trụ bê tông. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Ông dự đoán, lúc đó, có thể do đông đúc, người ta chen lấn giẫm đạp lên nhau mà chết. Nhưng con số này rất thấp. Số còn lại bị bắn.
Ông cũng đưa thêm một dự đoán, rằng có thể người trên tàu và người dưới tàu bắn nhau vì người đi kẻ ở không đành.
Tôi hỏi ông hai chi tiết: Lúc ông vào Ðà Nẵng, ông ở đường nào? Và ông dựa trên cơ sở nào để đoán rằng những người lính bắn nhau? Ông Thiện lắc đầu, yêu cầu đừng hỏi những câu như thế này, khó cho ông.
Vốn là người có đời sống tâm linh, sau khi nói câu này, ông Thiện chắp tay, khấn: “Các anh linh lắm, các anh biết đúng sai, tôi không thể nói được gì, vì tôi đang còn sống, tôi cũng khổ lắm, mong các anh thông cảm!” Tôi im lặng, hiểu ra rằng ông Thiện cũng có nỗi khổ.
Nỗi khổ của một người không dám nhận mình biết điều gì, dù rằng đôi khi chính sự hiểu biết, chứng kiến của mình làm mình ray rức. Rồi ông “ký thác” nỗi ray rức vào câu kinh tiếng kệ mấy mươi năm nay, cũng là một cách tự xoa dịu vết thương lòng!
***
Ông Thiện nhìn ra cây dong đồng trước nhà. Cây dong to lớn, sum suê, nhìn như thể đã tới hàng trăm tuổi đời. Ông Thiện nói, cây này còn rất trẻ, 35 tuổi, nhưng “đất và người cũng như cây cối ở An Dương sớm trưởng thành, chóng lớn vì hấp thụ quá nhiều xác người.” Chung quanh nơi ông ở, toàn là mộ địa, toàn những xác của chiến tranh. Ông nói xong, lại niệm Phật.
Một ít vải bạt còn sót lại dưới đáy hố. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Ông Thiện nói, trong lúc đào tìm, khi tìm đúng xác, người đào tiếp tục men theo xác bên cạnh, cứ như vậy mà men tìm. “Lúc chôn, người ta đào một cái hố sâu 5m, đáy bằng, rồi đặt các thi hài nằm liền kề nhau một dãy, rồi lấp cát.”
Khi đào tìm, đến xác cuối cùng của dãy thì đào thêm vài mét ra bên ngoài, không tìm thấy nữa nghĩa là hết rồi.
Trầm ngâm một lúc, ông lại nói: “Nói hết là nói cho yên tâm, nói cho nguôi ngoai thôi, chứ thực ra làm sao mà tìm hết được, bãi cát bao la, mênh mông, thời gian xóa nhòa mọi thứ vào lãng quên.”
Và ngay cả con người, qua thời gian, trí nhớ cũng phôi phai, dù trước đây mình từng cố nhớ!
Ông Thiện nói rằng, mỗi khi ra đứng trước biển, mỗi khi nhìn đồi dương, mỗi đêm nghe gió phi lao rì rào, ông nghe màu lãng quên thấm dần trong ông, thấm dần trong cuộc sống. Ông buồn, nhưng không thể làm gì được.
***
Chiều gần tàn, ông Thiện dắt tôi ra thăm bãi biển An Dương, thăm những mộ phần lẻ loi, thăm chốn cũ các anh nằm, thăm cái màu lãng quên đang xào xạc gió nơi đồi dương vắng lạnh.
“Các vị này linh thiêng lắm! Rồi anh sẽ thấy.” Ông Thiện nói trên đường đi.
PHÚ VANG, Huế - Sau một hồi nói chuyện, tôi cùng ông Trần Ðăng Thiện đi ra đồi dương, nơi có nấm mồ tập thể của các tử sĩ VNCH.
Một chút ấm áp cho người đã khuất. Người đứng vái là ông Trần Ðăng Thiện. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Chiều xuống thấp, tiếng gió rì rào thổi vào phi lao nghe như những oan hồn đang thì thầm trò chuyện. Một câu chuyện oan khiên, đến bất tận.
Băng thêm độ 300 mét, ông Thiện dừng lại, chắp tay vái bốn hướng, rồi vái một chiếc hố sâu, rộng chừng 3m, dài độ 20m.
Ông nói: “Ðây là một trong ba hầm đã chôn các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa.”
Bốn góc hố là bốn thanh bê tông, ông Thiện giải thích, bốn thanh này được đúc, chôn sâu dưới lòng cát và nhô cao 1,5m.
“Chôn sâu là đề phòng sóng cuốn, và nhô cao là phòng bão cát lấp mất dấu.”
Ngoài ra, người dân An Dương còn đánh dấu thêm bằng cách trồng mấy bụi dứa dại xung quanh, đề phòng chuyện cát lấp mất trụ bê tông.
Hỏi hố này chôn bao nhiêu xác, ông nói không thể nhớ cụ thể, vì lúc đào, ông lo phần việc cúng vái, cầu nguyện siêu thăng bạt độ cho hương linh. Thi thoảng, ông nhắc nhở mọi người cố gắng tìm thật kỹ.
Nhưng ông cũng khẳng định, mỗi hố phải trên 30 xác người. Có thể hố rộng nhất này chứa đến 50 xác.
Tôi đưa máy bấm vài kiểu hình.
***
Vài phút sau, ông Thiện vái ba lần và dắt tôi sang một hố khác. Hố này nằm cách mép sóng xâm thực chừng 10m.
Bên cạnh miệng hố còn tấm bia để dòng chữ: “Mộ cô hồn vô danh. Vô danh hiển hách chi viên...” Mấy chữ còn lại bị nhòa, không thể đọc được.
Ông Thiện lại vái lạy tấm bia.
Tôi đưa máy hình lên chụp. Lạ thật, máy chụp hình “mất nguồn” ngay tức khắc.
Chưa bao giờ tôi bị trường hợp này. Luôn luôn, trước khi làm việc, tôi “sạc” đầy pin và kiểm tra rất kỹ.
Ðứng tần ngần vài phút, lại mở máy, chụp nữa. Vẫn như lúc nãy, máy bị đứt nguồn ngay tức khắc.
Tôi làm lại ba lần như thế, mọi chuyện vẫn như cũ. Tôi bắt đầu thấy lạnh người. Một phần, trời đã sang chạng vạng, một phần gió thổi rì rào. Tôi thật sự ớn lạnh!
Tôi vái tấm bia. Và kể thật với ông Thiện, nhờ ông khấn, xin cho tôi chụp hình.
Ông Thiện chắp tay khấn: “Thưa các hương linh, thưa những người lính năm cũ, chú này đi làm công việc của chú, chú này muốn đưa hình nơi ở của các hương linh lên báo, để thế giới nhìn thấy và biết rằng có những người lính nằm lại nơi này. Xin các hương linh hoan hỉ cho chú này chụp mấy tấm hình!”
Ông Thiện khấn xong, tôi vái lạy, bắt đầu chụp hình, chụp liên tiếp mấy tấm hình. Không có chuyện gì xảy ra.
Bên cạnh tấm bia còn một tấm bạt xanh rách nát, ông Thiện nói rằng đây là tấm bạt đã nằm cùng các tử sĩ mấy mươi năm nay. Tôi đưa máy chụp. Không được! Lại khấn xin, cũng không được. Cứ mỗi lần quay ống kính vào tấm vải bạt, thì máy chụp hình lại tắt nguồn.
Ai đó trong làng vừa đến viếng và đặt hoa nơi ngôi mộ cải táng của các tử sĩ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Ông Thiện im lặng, đi đến một hố khác, cũng sâu và rộng tương đương với hố thứ nhì. Dưới hố còn sót lại mấy chiếc quách.
Hố nằm sát bên mép biển xâm thực. Ông Thiện đoán rằng, nếu không di dời, trong mùa sóng năm nay, tất cả sẽ bị cuốn ra biển.
***
Trước khi vái chào tạm biệt các hố chôn tập thể, ông Thiện không quên chỉ cho tôi biết vị trí của bờ biển cách đây 35 năm. Nó cách xa vị trí bây giờ chừng 500m. Và ông chỉ cho tôi vị trí con tàu mắc cạn ngày đó, mới trục đi vài năm trước.
Ông cũng nói thêm, có rất nhiều xác đã trôi ra biển, trên các thi hài ấy, có thể có cả thẻ bài. Những xác này được chôn trong vườn hoặc nghĩa trang của người dân An Dương.
Tôi nhờ ông dắt tôi thăm những ngôi mộ ông mới nói. Ông Thiện lắc đầu: “Bác không thể dắt cháu đi được đâu, vì lúc ấy, người dân thấy xác nằm la liệt, rồi lại chôn tập thể, tội nghiệp quá, nên có người mang trộm xác về chôn trong vườn hoặc ngoài nghĩa trang dòng tộc. Khắc bia theo tên họ dòng tộc. Giờ biết đâu mà lần!”
Tôi hỏi ông có thể đoán vì sao họ lại khai tên họ người lính xa lạ theo dòng tộc? Ông Thiện trả lời: “Có lẽ hương linh ấy phò hộ cho họ mần ăn tốt nên họ làm vậy!” Ông nói, mắt nhìn xa xăm.
Tôi đoán rằng, người đàn ông tốt bụng này đã dối mình vì một lý do tế nhị khác. Thời đó, ngay cả việc thi đại học của con em nhà lính Việt Nam Cộng Hòa, cầm cái lý lịch lên nộp, không những bị loại mà còn có thể nhận vài câu răn đe, mắng nhiếc.
Cái thời như vậy, dù có tốt bụng và dũng cảm cỡ nào, thì việc để người khác biết mình đang chôn một xác lính “phe bên kia,” trong vườn, trong nghĩa trang dòng tộc chả khác nào tự châm lửa đốt nhà!
***
Ông Thiện lại im lặng dắt tôi đi theo ông sang khu mộ mới qui tập. Ông khấn vái trước nhà bia rồi giới thiệu cho tôi biết ở đây còn có một mộ mới chôn của một thường dân trôi dạt vào biển trong đợt lũ lụt vừa rồi. Ngôi mộ ấy nằm riêng bên ngoài khu mộ các tử sĩ VNCH.
Và còn có thêm một ngôi mộ của một người phụ nữ. Người này cũng mang tấm bia Vô Danh trên mộ phần. Và ngôi mộ cũng nằm riêng phía bên ngoài khu mộ của các chiến sĩ.
Tôi và ông Thiện vái lạy những ngôi mộ, tôi chụp hình ông đứng cạnh những ngôi mộ chiến sĩ.
Tôi lại hỏi, lúc bốc mộ có còn áo quần, vải vóc nào cho thấy là xác của các tử sĩ? Ông bảo lúc chôn ở hố tập thể thì còn nguyên vẹn.
***
Ðứng một lúc lâu, rồi ông Thiện lấy chai dầu gió ra xức, ông đưa tôi cùng xức. Hai người ra về.
Ông Thiện dắt tôi ra đường và nói: “Linh lắm cháu à! Mà nói ra bác cũng mang ơn những người bên nước ngoài, như chú Võ Văn Thanh, Hồ Văn Sa, Trần Văn Kỳ, cô Thuận và nhiều người khác đã vận động, quyên góp rồi gửi tiền về. Ðược tổng cộng $8,000. Và 28 triệu đồng của dân An Dương góp lại. Rồi công của các anh em như Ngô Ðức Ðáo, Hồ Văn Có, Nguyễn Văn Ngần, Phạm Thiên và bà con trong làng đã góp công, góp của, đưa các anh về đây! Thật là quí hóa! Khi công việc mỹ mãn, còn dư lại một phần.”
Ông nói rằng, cho đến bây giờ, ông vẫn không thể nghĩ ra vì sao lại mất thẻ bài nhiều đến thế, chỉ còn lại 12 hài cốt có thẻ bài. Có hai mộ đã được đưa về quê ở Kiên Giang và Hậu Giang, còn một mộ khác đã được người thân đến nhận, nhưng lại muốn gửi lại nơi này để anh cùng ở chung với đồng đội cho ấm áp... Vài năm sau họ sẽ đưa về.
Tôi hỏi trước khi tạm biệt: “Chính quyền địa phương có ý kiến gì khi mình di dời mộ không?”
Ông Thiện trả lời: “Ồ, có chứ cháu, họ nói rằng cố gắng mà làm, họ ủng hộ tinh thần cho, họ nói rằng sống là kẻ thù, nhưng chết rồi thì đều là bạn! Cứ làm đi! Ủng hộ vậy đó cháu, chứ không có tiền bạc gì đâu, họ cho mình dời là tốt lắm rồi!”
Tôi lại hỏi thêm về những chi tiết bốc mộ, như dấu vết trên hài cốt, hộp sọ, hài cốt được đặt nằm như thế nào, liệu với chiều dài chừng 20m, đặt đến trên 30 xác người có quá chật và nằm chồng lên nhau không?
Ông Thiện lắc đầu, nói tôi thôi, đừng hỏi thêm gì nữa, ông “khó nói lắm.”
Và ông nhắc tôi khi viết bài, nhớ viết làm sao cho ông đừng bị khó, ông được sống an lành. Ông đã tu hành hơn 30 năm nay. Ông chỉ mong được làm việc thiện, không mong gì hơn, ông già rồi, ngại gặp rắc rối cho mình và cho mọi người lắm.
Tôi hứa với ông là sẽ không viết những gì có thể gây khó khăn cho ông và mọi người. Ông gật đầu, nhìn tôi, yên tâm.
No comments:
Post a Comment