Những sử gia chân chính xưa nay khi luận anh hùng, thường không chú trong tới sự thành công vật chất mà chỉ quan tâm tới giá trị tinh thần. Bởi vậy trong dòng sử Việt từ thuở bình minh dựng nước tới nay, ngoài những vĩ nhân tài đức giúp nước chống ngoại xâm như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tôn, Hưng Ðạo Ðại Vương, Bình Ðịnh Vương Lê Lợi, Nguyễn Trải, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Hoàng, Sãi Vương, Hiền Vương, Nguyễn Hửu Cảnh, Nguyễn Phúc Chu, Quang Trung Ðại Ðế.. Còn có không biết bao nhiêu liệt nữ anh hùng đã hy sinh cho Tổ Quốc và Dân Tộc Việt.
Họ là Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Nguyễn Biểu, Ðặng Dung, Lê Lai, Trương Công Ðịnh, Ung Chiếm, Bùi Hàng, Thủ Khoa Huân, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, Phan Bội Châu, Cường Ðể.. Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Bá, Hoàng Cơ Minh, Trần Thiện Khải.. và còn không biết bao nhiêu chiến sĩ vô danh khác, đã hiến đời mình cho đất nước. Tất cả đã không thành công nhưng ‘ thành nhân’ danh thơm muôn thuở , hào khí ngất trời, đáng được cho con cháu nghìn thu ngưởng phục.
Tất cả đều hy sinh vì nước và đều chết dưới tay của kẻ thù. Trong số này hào hùng nhất có lẽ là Tráng Sĩ Phạm Hồng Thái, một mình dám ôm bom vào tận bàn tiệc trong khách sạn Victoria, thành phố Sa Ðiện thuộc tô giới Pháp. Ông quyết giết tên đại thực dân Pháp Martial Merlin là toàn quyền Ðông Dương, trên đường từ Nhật Bổn ghé Hồng Kông trước khi về Hà Nội, để trừ hại cho dân trả hận cho nước và những chiến sĩ đã gục ngã trước giặc Tây. Hôm đó là ngày 19-6-1924, tráng sĩ Phạm Hồng Thái đã không giết được kẻ thù của dân tộc dù bom đã nổ ngay trong bàn tiệc. Sau đó ông bị giặc truy giết và đã quyên sinh dưới dòng nước Châu Giang là con sông ngăn cách giữa Hồng Kông và thành phố Quảng Châu (Quảng Ðông) trên đất Trung Hoa, quyết không để xác thân lọt vào tay giặc ..
Ðúng là ‘ Anh Hùng mạc bã doanh dư luận
Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu
(thơ Mai Xuân Thưởng)
Cụ Phan bội Châu đã dịch‘ Tiết nghĩa đã lưu cùng vũ trụ, hơn thua sá kể với anh hùng’ . Xưa nay, trai hùng và nữ lưu đất Việt thà ‘ chết vinh hơn sống nhục’ , chết trẻ nhưng sống mãi trong lòng dân tộc và đất mẹ VN thân yêu, chứ không ham sống già, sống dai chỉ để níu kéo chút hư danh cát bụi, làm nhục con cháu trước những hành vi khả ố hợm đời.
Năm mươi năm sau, nhằm ngày 27 tết (19-1-1974) khi trận hải chiến Hoàng Sa giữa QLVNCH và Trung Cộng kết thúc, quân Tàu đỏ chiếm được đảo. Có 42 người gồm Hải Quân 16, Trung Ðội Ðịa Phương Quân tỉnh Quảng Nam và 4 nhân viên khí tượng kẹt lại trên đảo , bị giặc bắt làm tù binh. Tất cả bị giải về giam tại Trại thu dụng tù binh của bộ đội tỉnh Quảng Ðông. Trại này nằm trên bờ sông Châu Giang là địa điểm mà giặc Pháp đã phơi thây người Anh Hùng Ðất Việt Phạm Hồng Thái vào tháng 6-1924. Nhưng rồi tất cả 42 người sau đó cũng được TC thả về nước qua ngã Hồng Kông. Chỉ tội nghiệp cho Phạm Hồng Thái vẫn hắt hiu cô đơn lạnh lẽo trong lòng đất suốt mấy chục năm qua nới đất khách quê người, không biết bao giờ nấm xương tàn của người chiến sĩ Quốc Gia, mới được trở về cố quốc. Hởi ôi đời thế nên sao chẳng buồn ?
1- NGHỆ AN QUÊ HƯƠNG PHẠM HỒNG THÁI :
Ngoại trừ thủ đô Hà Nội là đất ngàn năm văn vật, hai tỉnh Nghệ An và Quảng Nam cũng là nơi đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng liệt nữ của dân tộc Việt. Nghệ An là một trong những tỉnh lớn nhất nước, thuộc miền bắc Trung Phần, giáp giới Thanh Hóa, Lào, Hà Tỉnh và Ðông Hải, diện tích chừng 14.000 km2 nhưng phần lớn là rừng núi, sông ngòi mà ít bình nguyên.
Nghệ An là vùng đất cổ xưa của dân tộc nên có rất nhiều di tích lịch sử như đền thờ An Dương Vương, đền và mộ Mai Hắc Ðế, thành Lục Niên, Phượng Hoàng Trung Ðô.. Ðây cũng là quê hương của Phan Bội Châu (Nam Ðàn) , Ðặng Nguyên Cẩn, Ðặng Thái Thân (Hải Côn), Hồ Tông Thốc, Dương Doản Am (Quỳnh Lưu), Hồ Sĩ Dương (Hoàng Hân), Nguyễn Trường Tộ ( Hưng Nguyên).. Sông núi anh linh nên đã hun đúc nhiều anh hùng liệt nữ.
Phạm Hồng Thái còn có tên Phạm Thành Tích hay Phạm Cao Ðà, sinh năm 1896 tại làng Xuân Nga, tổng Văn Viên, phủ Hưng Nguyên gần thành phố Vinh xứ Nghệ, trong một gia đình có truyền thống cách mạng chống thực dân Pháp, lại được chứng kiến cảnh quốc phá gia vong, dân tình khốn khổ lầm than vì sống dước ách nô lệ của ngoại bang. Thêm vào đó là các biến cố chính trị quan trọng đang xảy ra trong nước như vụ đảng viên của VN Quang Phục Hội do Cường Ðể và Phan Bội Châu làm thủ lảnh, đã ném bom vào Hà Nội Hotel để mưu sát toàn quyền Ðông Dương Albert Sarrant, vụ ám sát tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hân, vụ đồng bào chống thuế tại miền Trung. Nhưng quan trọng nhất vẫn là hai cuộc khởi nghĩa của Ðội Cấn và Lương Ngọc Quyến tại Thái Nguyên. Còn vụ thứ hai do Vua Duy Tân cùng hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân khởi xướng tại kinh thành Huế.
Do ảnh hưởng trên nên Phạm Hồng Thái đã bỏ học rất sớm giữa lúc đang miệt mài sách vở tại Trường Vinh, ra Bắc dấn thân vào con đường cách mạng chống Pháp. Tại đây ông càng thêm uất ức trước cảnh thực dân Pháp toa rập với Việt gian , thẳng tay bóc lột dân đen, tuy ngoài mặt vẫn giả bộ yêu dân mến nước với các danh từ hoa mỹ, hào nhoáng như ‘ bảo hộ, khai hóa, văn minh.. ’ ’. Do đó ông đã cùng với một số thanh niên yêu nước thời đó, tìm đường xuất dương để học hỏi những điều hay mới của người,hy vọng một ngày đạt được thoả nguyện trên con đường cứu nước, cho vẹn cái chí tang bồng :
‘ Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây ‘.
(thơ Nguyễn Bá Trạc)
Năm 1922 Phạm Hồng Thái từ Xiêm sang Trung Hoa, được các nhà cách mạng hải ngoại kết nạp vào Việt Nam Nghĩa Hòa Ðoàn, hoạt động tại Quảng Ðông. Ở đây người Việt không đông lắm và phần lớn đều làm việc trong tô giới Pháp, tức là thành phố Sa Ðiện, ngăn cách với thủ phủ Quảng Châu bởi dòng Châu Giang. Tỉnh trưởng Quảng Châu lúc bấy giờ là Hồ Hán Dân rất có cảm tình với các tổ chức cách mạng người Việt chống Pháp. Ðây cũng là nơi sống lưu vong của một số lãnh tụ Văn Thân và Cần Vương như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật
Phạm Hồng Thái là một trong 9 thành viên của Tâm Tâm Xã gồm có : Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Vũ Hải Thần.. đều là đảng viện thuộc VN Quang Phục Hội do Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể và Phan Bội Châu làm thủ lảnh, hầu hết là người tỉnh Nghệ An, theo chủ trương dùng bạo động chống Pháp. Theo Cường Ðể vào năm 1922, chính ông đã ra lệnh cho Lê Hồng Sơn (Lê Văn Phan) , ám sát Phan bá Ngọc, con trai Phan Ðình Phùng vì tội theo Pháp , phản bội dân tộc. Năm 1924 Phan Bội Châu và Nguyễn Hải Thần từ Hàng Châu về Quảng Châu để tái tổ chức lại VN Quang Phục Hội. Dịp này hai ông vào bái yết Tưởng Giới Thạch và Lý Tế Thâm, lúc đó đang chỉ huy Trường Võ Bị Hoàng Phố được xây dựng trên đảo Trường Châu phía đông Quảng Châu, để yêu cầu thâu nhận một số thanh niên Việt Nam và được chấp thuận. Chính thời gian này, cụ Phan đã đổi tên VN Quang Phục Hội thành VN Quốc Dân Ðảng (VNQDÐ) , đồng thời cải tổ lại cách tổ chức đảng, dựa theo QDÐ Trung Hoa. Sau đó Ông ủy thác cho Hồ Tùng Mậu (Hồ Bá Cư) đưa chương trình và đảng cương về hoạt động trong nước
Còn Hồ Chí Minh lúc đó qua bí danh Nguyễn Ái Quốc, mãi tới tháng 10/1924 mới được lệnh rời Liên Xô sau khi nhận chức ‘ Ủy viên ban Phương Ðông ‘ phụ trách Cục Phương Nam, để chỉ đạo các phong trào CSQT qua lớp vỏ Cách Mạng tại các nước Ðông Nam Á. Như vậy thì làm sao mà đồng chí Lê Hồng Phong được Tâm Tâm Xã cử đi tham dự đại hội với đồng chí Nguyễn Ái Quốc , trong đại hội quốc tế cộng sản lần thứ V tại Mạc Tư Khoa tù 17/6 - 8/7/1923 như báo đảng đã viết ?
Sau khi Phạm Hồng Thái đã hy sinh vì nước vào ngày 19-6-1924 tại Sa Ðiện, thì tới cuối tháng 10/1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc qua bí danh là Lou, thư ký kiêm thông ngôn cho phái bộ Borodin của Nga ở Quảng Châu, mới đang trên đường từ Mạc Tư Khoa tới Hải Sâm Uy bằng xe hỏa. Ngày 11/11/1924 lần nữa, đồng chí Lou lại đổi tên là Lý Thụy, qua tài trợ của Nga với nhiệm vụ chính là tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản quốc tế, để thực hiện cuộc cách mạng vô sản tại Ðông Dương. Nhờ lớp son ‘ thư ký kiêm thông ngôn ‘ của Borodin và ‘ phóng viên của hảng thông tấn Rosta’ nên chỉ sau hai tháng, Quốc đã làm quen được với Phan Bội Châu và Nhóm Tâm Tâm Xã. Ðể từ đó âm mưu với Lâm Ðức Thụ vào năm 1925 bán đứng cụ Phan cho mật thám Pháp. Ðồng thời tóm thu hoàn toàn nhóm Tâm Tâm Xã, biến những thanh niên nam nữ yêu nước thành những công cụ phục vụ cho Hồ Chí Minh và cộng sản đệ tam quốc tế , hại dân hại nước kéo dài tới ngày nay.
Cũng từ đó những cán bộ Tâm Tâm Xã gốc Nghệ An cùng quê với Quốc như Lê Văn Phan (Lê Hồng Sơn), Lê Duy Doãn (Lê Hồng Phong), Hồ Bá Cự (Hồ Tùng Mậu), Nguyễn Công Viên (Lâm Ðức Thụ), Ðặng Xuân Hồng, Lê Cầu, Nguyễn Giản Khanh.. đều lần lượt theo cộng sản từ đầu năm 1925, kể cả rễ của Phan Bội Châu là Vương Thúc Oánh. Với những thành phần còn lại không chịu theo cộng sản, thì Lý Thụy lần lượt thủ tiêu hay báo cho mật thám Pháp bắt, Tâm Tâm Xã coi như tan rã hoàn toàn sau khi cụ Phan Bội Châu bị bắt và an trí ở Huế cho đến lúc qua đời tại Bến Ngự vào năm 1940
2- PHẠM HỒNG THÁI VÀ TIẾNG BOM SA ÐIỆN :
Bấy giờ hầu hết các nhà cách mạng VN chống thực dân Pháp đều tập trung hoạt động tại Nhật Bản và Trung Hoa, trong đó có các lãnh tụ Cường Ðể, Nguyễn Hải Thần, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Ðặng Tử Mẫn.. Vì nhìn thấy sự lớn mạnh của các đảng cách mạng trên, nên toàn quyền Ðông Dương là Martial Merlin quyết định sang Nhật và Tàu, dùng quyền lợi có sẳn tại thuộc địa, san sẽ cho các nước trên, để yêu cầu trục xuất hết các đảng cách mạng cũng như du học sinh VN trong phong trào Ðông Du về nước. Vì vậy các yếu nhân trong tổ chức Tâm Tâm Xã quyết định phải ám sát Merlin khi Y trên đường từ Nhật ghé qua Hồng Kông. Phạm Hồng Thái được Phan Bội Châu ủy nhiệm công tác cực kỳ khó khăn và nguy hiểm trên, lúc đó ông mới 28 tuổi.
Vì Merlin là một nhân vật đặc biệt nên khi đương sự ghé Hồng Kông , được nhà cầm quyền Anh và Pháp tại tô giới, tổ chức lực lượng an ninh bảo vệ cẩn mật, từ nơi tá túc tới địa điểm tổ chức buổi tiệc tiếp tân, tại nhà hàng sang trọng của khách sạn Victoria, nằm trong thành phố Sa Ðiện, thuộc khu tô giới (concession) Anh-Pháp, sát bờ sông Châu Giang
Hôm đó là đêm 19-6-1924 (Giáp Tý). Vì tất cả người Việt đều bị cấm lai vảng đến địa điểm trên, nên Phạm Hồng Thái phải hóa trang thành một phóng viên nhiếp ảnh người Nhật, mới tới được gần khách sạn. Cả khu vực được trang hoàng rực rở với đèn lồng và hoa giấy đủ màu sắc. Merlin được người Tàu tại Quảng Châu tiếp rước thật long trọng với kiệu, kèn trống, cờ xí và dàn nhạc bát nhả. Theo hầu sau trước có lính Tàu bảo vệ, còn đội lính thủy người Ấn Ðộ của Anh thì canh gát vòng ngoài chật như nêm. Hoạt cảnh lúc đó không khác gì các cuộc du hành của vua chúa ngày xưa với tiền hô hậu ủng mà ai cũng thấy qua các phim Tàu.
Ngoài Merlin và đoàn tuỳ tùng đông đảo từ Hà Nội sang. Buổi tiệc đêm đó còn qui tụ nhiều chức quyền của Tây phương đang có mặt tại Cảng Thơm như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Bồ.. với các mệnh phụ phu nhân người Hoa lẫn ngoại quốc, cùng với đoàn nữ vũ công bản xứ xinh đẹp múa hát giúp vui. Tóm lại trong đại sảnh có hơn 50 người toàn yếu nhân hiện diện. Tiệc do các thương gia Anh Pháp tại Quảng Châu khoản đãi. Khách danh dự đêm đó ngoài Merlin còn có Giám đốc Ngân Hàng Anh tại địa phương và lãnh sự Pháp tại Hồng Kông tham dự. Vì cả hai có bộ dạng bên ngoài hao hao với Merlin, nên Pham Hồng Thái đã nhìn lầm và đánh bom lạc mục tiêu, nhờ vậy tên đại thực dân mới thoát chết, chỉ bị thương nhẹ
Ðêm đó thực dân Anh Pháp đã bố trí rất nhiều công an mật thám, thủy binh Ân Dộ kể cả lính Tàu nhưng Phạm Hồng Thái vẫn đột nhập được vào gần bàn tiệc của Merlin và ném chiếc máy chụp hình vào ngay mục tiêu định sẳn, trong đó đã gài sẳn một trái bom nhỏ nhưng có sức tàn phá ghê gớm. Bom nổ rung chuyển cả căn phòng lớn làm tung vở cả đồ đạc tại chổ, đèn điện phụt tắt , nhiều người thương vong, trong đó có tên lãnh sự Pháp tại Quảng Châu là Louis Cordeau, tên giám đốc ngân hàng Anh ở Hồng Kông với một chính khách Trung Hoa và một vũ nử ngồi kế Merline. Cộng chung có 6 người chết và 28 người bị thương, khiến cho Merlin và bè lủ Pháp có mặt tại chỗ gần như vở mật kinh hồn. Còn những người ngoại quốc khác thì thán phục. Riêng người Hoa vô cùng nể phục và cám ơn VN đã thay họ ‘ trả được mối hận ‘ bị tây phương và Nhật đang xâu xé đất nước mình, coi người Tàu rẽ hơn chó, mà bất lực không làm gì được.
Tuy tên toàn quyền Ðông Dương không chết nhưng ảnh hưởng của tiếng bom Sa Ðiện lúc đó như một lời thách thức của người Việt Quốc Gia yêu nước đối với thực dân Pháp đang cưởng chiếm lảnh thổ VN, rằng phải có một ngày không xa Người Việt sẽ quét sạch chúng ra khỏi nước như quá khứ đã từng đánh đuổi giặc Tàu xâm lược phương Bắc. Tin được báo chí tại Quảng Ðông cũng như Anh, Pháp, Nhật loan tải một cach trang trọng chiếm hết trang nhất. Tên tuổi của Anh Hùng Phạm Hồng Thái, hiên ngang một mình ôm bom vào tận bàn tiệc quyết giết toàn quyền Pháp tại Ðông Dương là Merlin để trả thù rữa hận cho tổ quốc VN, được toàn thế giới lúc đó đón nhận và kính phục như một bậc vĩ nhân.
3- PHẠM HỒNG THÁI NGÀN NĂM LIỆT OANH :
Sau khi thi hành xong nhiệm vu, lợi dụng sự hổn loạn và bóng tối nên Phạm Hồng Thái thoát khỏi khách san nhưng ông vẫn bị bọn công an mật thám và đám thủy binh Ấn Ðộ truy đuổi gắt gao ở phía sau. Giữa lúc vô cùng nguy ngập, lại không có ai tiếp ứng, trong khi đó bên mình chỉ có một khảu súng lục phòng thân, mà trước mặt là bờ sông Châu Giang mênh mông sóng nước ngăn chận. Nhưng Phạm Hồng Thái vốn là người can đảm phi thường, anh hùng cái thế, nên mới dám nhận lảnh một nhiệm vụ khó khăn đầy nguy hiểm, biết trước chỉ có con đường chết dù có thành công hay thất bại. Bởi thế sau khi bắn tới viên đạn cuối cùng, ông lấy hết sức bình sinh dỏng dạc la lớn ‘ Việt Nam Muôn Năm ‘ rồi lao mình xuống dòng nước đang chảy xiết quyên sinh, quyết không để sa vào tay giặc. Lúc ấy ông mới 28 tuổi, đang trong lứa tuổi xuân thì đầy mộng mơ hoa bướm của đời người.
Trên mặt sông xuất hiện hằng trăm chiếc ca nô chở đầy lính tráng, đèn mở soi sáng cả một vùng, lùng sục truy tìm cho được xác Phạm Hồng Thái. Còn hai bên bờ sông, lính Anh Pháp tại tô giới vẫn túc trực canh chừng suốt đêm ngày, quyết tâm tìm cho được thi hài người trai hùng nước Việt, để hành hạ trả thù cái nhục của tên toàn quyền thực dân Pháp Merlin bị ám sát trước
đám đông, không thể nào tẩy xóa cho hết được, dù hắn sau khi từ Sa Ðiện về Hà Nội, đã điên cuồng ra lệnh đàn áp dữ dội các phong trào cách mạng VN hơn bao giờ hết.
Ðúng ba ngày sau xác của Phạm Hồng Thái nổi lên mặt nước và tấp vào chân cầu Châu Giang. Lập tức lảnh sự Pháp tại Sa Ðiện ra lệnh vớt lên bờ nhưng không cho đem chôn cất, mà để đó phơi nắng mưa sương gió suốt ba ngàyđêm, mặc cho ruồi bọ và kiến lửa bu đầy cấu xé rất thê thảm đau lòng, khiến cho ai nhìn thấy cũng không cầm nổi giòng lệ, xót thương cho người trai hùng nước Việt, chết vì tổ quốc VN.
Ðó là hành động dã man của hầu hết bọn thực dân da trắng, miệng lúc nào cũng nói nhân nghĩa đạo đức, văn minh khai hóa nhưng thực chất chỉ đi xâm lược nước người mà quá khứ ai cũng biết. Bởi vậy bọn Pháp đã bị dân chúng Trung Hoa tại địa phương phản đối dữ dội, đồng thời họ khiếu nại với nhà cầm quyền Quảng Châu, can thiệp với thực dân phải để họ chôn cât thi hài của Phạm Hồng Thái, giữ vệ sinh công cộng. Cuối cùng vì sợ bị mất mặt trước dư luận thế giới, nên Pháp đành giao xác ông cho người Tàu.
Nhờ sự vận động của các đảng phái cách mạng VN tại Trung Hoa, nên xác ông được chuyển giao cho Hội Quảng Tế Y Viện tẩn liệm và đem chôn dưới chân đồi Bạch Vân trông ra giòng Châu Giang là nơi mà liệt sỹ đã hy sinh vì nước. Hầu hết các lãnh tụ VN hải ngoại đều tham dự đám tang. Chính cụ Phan Bội Châu đã thân hành viết mộ bia cũng như sáng tác nhiều tác phẩm liên quan đến người Anh Hùng Phạm Hồng Thái như : Phạm Liệt Sỹ Hồng Thái Tiên Sinh Truyện, Tuyên Ngôn Thư của VN Quốc Dân Ðảng về Tiếng Bom Sa Ðiện, Văn Tế truy điệu Liệt Sỹ Phạm Hồng Thái..
Năm sau vì cảm hóa và kính phục trước cái chết liệt oanh của một Tráng Sỹ Anh Hùng Việt Nam, đã làm cho bọn thực dân Anh-Pháp phải vở mật kinh hồn ngay trên đất Trung Hoa mà chính người Trung Hoa phải cúi đầu khuất phục chúng. Do đó các lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Ðảng như Uông Tinh Vệ, Liêu Trọng Khải và Tỉnh Trưởng Quảng Châu là Hồ Hán Dân, đã bỏ ra số tiền 3000 đồng , để cải táng mộ của Phạm Hồng Thái từ chân đồi Bạch Vân về chôn tại Hoàng Hoa Cường là Nghĩa Trang Quốc Gia, nơi an giấc nghìn thu của 72 Liệt Sĩ Trung Hoa đã hy sinh đầu tiên, trong cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911, lật đổ nhà Mản Thanh.
Hoàng Hoa Cương nằm cách thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Ðông chừng 2km, đây là thánh địa tôn quý của Trung Hoa Dân Quốc lúc bấy giờ. Sự kiện di cốt của Anh Hùng Phạm Hồng Thái được nằm cạnh các Liệt Sỷ Trung Hoa, mang một ý nghĩa to lớn về tinh thần, nói lên sự ngưởng phục những người vì dân vì nước, không phân biệt chủng tộc. Mộ của Liệt Sỹ nằm trên một hòn núi nhỏ trước Hoàng Hoa Cương, đối diện với hàng mộ bia của 72 Liệt Sỹ Trung Hoa., được kiến trúc rất hùng vỹ, có xây bia đình và một tấm mộ bia cao lớn do Trần Lộ Tiên Sinh đề ‘ Việt Nam Liệt Sỹ Phạm Hồng Thái Tiên Sinh Chi Mộ ‘.
Hôm giổ đầu tiên của Liệt Sỹ nhằm ngày 19-6-1925, hầu như tất cả các nhà Cách Mạng VN và Trung Hoa đều tham dự . Bọn thực dân Pháp tại tô giới phản đối kịch liệt nhưng chẳng làm gì được vì Hoàng Hoa Cương thuộc lảnh thổ Trung Hoa, hơn nữa đây là thánh địa tôn quý và thiêng liêng của người Tàu, nên chúng không dám đến phá phách vì sợ gây rắc rối ngoại giao , trong lúc khắp nơi đang sôi sục phong trào nổi dậy đánh đuổi bọn thực dân da trắng và Nhật ra khỏi đất Tàu.
Tiếng bom Sa Ðiện tuy không giết chết được Merlin nhưng cũng đã làm cho tên đại thực dân Pháp mất vía và mất mặt trước đại diện của các nước Anh, Mỹ, Bồ, Nhật.. tại Quảng Châu. Ðể trả thù người Việt, một mặt Phap ra lệnh cho toàn quyền Ðông Dương phải thẳng tay đàn áp và dập tắt cac phong trào chống Tây trong nước. Mặt khác bọn công sứ Pháp tại Bắc Kinh yêu cầu chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, phải ra lệnh cho nhà cầm quyền Quảng Châu, trục xuất hết các đảng phái cách mạng VN hải ngoại về nước. Ðồng thời bắt Tàu bồi thường thiệt hại và xin lỗi nước Pháp. Nhưng tất cả thái độ trịch thượng trên đều bị Tỉnh truởng Quảng Châu là Hồ Hán Dân cự tuyệt một cách quyết liệt.
Tám mươi năm thực dân Pháp làm mưa gió tại VN thì cũng liên tiêp trong 80 năm đã có không biết bao nhiêu người yêu nước đã dấn thân chống lại. Trong hằng triệu anh hùng liệt nử VN đã hy sinh vì nước, Liệt Sỹ Phạm Hồng Thái tuy chưa đạt được mục đích là giết tên toàn quyền Pháp Merlin Nhưng ông đã thành công trong sứ mạng là làm cho kẻ thù phải khiếp sợ và kính nể người VN, nêu gương anh hùng dũng liệt, làm gương cho những thế hệ của VN Quốc Ðảng kế tiếp như Ðảng Trưởng Nguyễn Thái Học cùng với những Anh Hùng Xứ Nhu, Phó Ðức Chính, Ðặng Trần Nghiệp, Lương Ngọc Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Tường Tam..
Khác với tâm trạng của kẻ sĩ thời xưa là liều chết vì tri kỷ hay vua chúa. Ngược lại Liệt Sỹ Phạm Hồng Thái ngày trước hay các vị Tướng Lảnh VNCH thời nay như Pham Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng , Lê Nguyên Vỹ, Trần văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn năm 1975 hay gần đây có Trần Văn Bá , Hoàng Cơ Minh, Võ Ðại Tôn, Lý Tống, Nguyễn Thi Ngọc Hạnh.. liều chết hay vào tù ra khám .. cũng chỉ vì Ðại Nghĩa Dân Tộc, qua sứ mệnh chống Pháp và cộng sản đệ tam quốc tế.
Ba mươi lăm qua trên khắp các nẻo đường hải ngoại, người Việt tị nạn cộng sản hiện diện tới vài ba triệu người nhưng chưa hề nghe thấy người nào có cái hung tâm như Phạm Hồng Thái, ngoại trừ Lý Tống dám làm nhiều chuyện khác đời mà gần nhất là dung hơi cay xịt vào mặt ‘ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ‘ để răn đe ‘ người việt cộng ‘ bớt cái thói ‘ ba que xõ lá ‘. Rốt cục Lý Tống một mình hứng chịu những đòn thù của cả hai phía ; bạn và VC ‘.
Ðời xưa hay thời nay, con người sống trên cõi thế, hơn nhau chỉ có một tiếng ‘ Anh Hùng, xã thân vì nước vì dân vì đời ‘ mà thôi. Còn tất cả đều vô nghĩa đâu có gì đáng nói ? !
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy
Tháng 11-2010.
Mường Giang
No comments:
Post a Comment