Tất cả chúng tôi đều rất tỉnh táo khi đoàn tầu vượt qua cầu Hiền Lương, chiếc cầu đã đi vào lịch sử Việt Nam trong giai đoạn đau thương của đất nước. Bờ Nam trải ra trước mắt, những nét quen thuộc vẫn còn đó.
Nó khác hẳn với phía bên bờ Bắc. Những con đường nhựa rộng hơn, phẳng hơn. Mái nhà bằng tôn thay vì bằng lá. Ðồng ruộng, cây cỏ hình như xanh hơn. Ðó là những nhận xét ồn ào đầy chủ quan của anh em chúng tôi. Thật ra thì cũng đúng. Bởi lẽ ở miền Bắc, sau những năm trong các trại tù, nhiều lần chúng tôi được chuyển trại đi qua các khu dân cư đều thấy cảnh vật làng quê miền Bắc vẫn như hồi trước năm 1954. Có thay đổi chăng là từng cụm nhà gạch ở đầu mỗi làng. Ðó là cơ quan nhà nước hay hợp tác xã hoặc là nhà ở của chủ tịch xã. Dân chúng vẫn ở trong những nếp nhà tranh mục nát bao nhiêu đời nay. Có những căn nhà, ruộng lúa lấn vào đến tận thềm. Một cái nhìn thoáng cũng đủ thấy cảnh khốn cùng của dân quê miền Bắc sau bao nhiêu năm được hưởng một chế độ “ưu việt.”
Tôi đưa tầm mắt đi xa. Ðồng ruộng miền đất lửa trước đây bây giờ loáng thoáng xanh tốt. Dân chúng lưu lạc về thành phố tránh chiến tranh nay có thể đã lục tục trở về cày cấy mảnh đất khu vườn của ông cha để lại. Bỗng trong tim tôi chợt nhói lên. Tôi định thần và cố điều chỉnh tia nhìn cho thật rõ lại. Cả một mái nhà tôn phía xa là lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ đã nhạt mầu. Tôi ra dấu cho các bạn tù ngồi gần thì chợt nhận ra tất cả chúng tôi đều đã thấy.
Lá cờ được sơn trên mái vào những tháng ngày cuộc chiến Quốc Cộng tranh vùng xôi đậu. Ðến nay, sau bao nhiêu mưa nắng nó vẫn còn, mặc dầu nó đã bị nhạt mầu. Lá cờ cũ trên nóc nhà dân trên bờ Nam sông Bến Hải, đối với chúng tôi, như một thách thức âm thầm, bền bỉ với kẻ thù và đồng thời nó cũng là niềm khích động hăng say mới cho tâm hồn chúng tôi. Người bạn đồng tù lẩm nhẩm bài Quốc Ca, rồi anh cười nói:
- Vẫn còn nhớ đủ, cậu ạ.
Nhìn lại được mầu cờ, nghe lại được bản quốc ca, thân thể tôi như tê dại vì xúc động. Ôi trước đây có bao giờ đứng nghiêm trang trong các buổi lễ chào cờ, tôi lại có được những xúc động tột cùng như thế này. Bây giờ, trong một cách thế không nghiêm trang tí nào vì phải nửa nằm nửa ngồi để có được thoải mái với người cùng cùm, tôi lại thấy tất cả những thiêng liêng sâu sắc ẩn tàng trong lá cờ và trong âm thanh quốc ca. Tôi vội cố ngồi nghiêm chỉnh. Người bạn cùng cùm khẽ rên:
-Cậu ngồi cao quá, kéo cánh tay tôi đau ghê.
-Ồ, xin lỗi. Cậu cũng ngồi cao lên đi.
-Ngồi không có chỗ tựa, mỏi lắm.
-Chúng mình xoay lưng vào nhau vậy.
Bên ngoài khung cửa tầu, chiều xuống rất mau. Nắng hoàng hôn dọi chiếu trên mái nhà có sơn cờ lấp loáng, lấp loáng rồi vụt mất hẳn. Tầu đi thật chậm nhưng cảm giác của tôi lại thấy tầu đi quá nhanh.
Ðêm xuống. Ðoàn tầu như chui vào bóng đêm và chúng tôi bắt đầu tìm giấc ngủ để sáng mai này được nhìn tiếp các thành phố ruộng đồng miền Nam yêu dấu mà chúng tôi đã không bảo vệ được.
Tầu đỗ lại ga Huế lúc năm giờ sáng. Trời đất còn tối om. Khí lạnh của những ngày cuối năm còn cùng với sương muối bao phủ thành phố. Không khí xao động trong nhà ga gợi cho tôi cái cảm giác của những chuyến đi công tác ra Trung ngày nào. Trong sân ga, một vài người thờ ơ nhìn đoàn tầu đến. Họ không nhìn thấy gì đâu vì khoảng cách khá xa, vả lại họ còn đang nôn nóng bên những đống hàng chồng chất. Kẻ buôn xuôi, người bán ngược cò con trên những chuyến tầu Bắc-Nam chắc hẳn còn đang lo lắng trong những khó khăn của cuộc sống. Có ai còn nhớ đến có hàng trăm ngàn người đi tù cải tạo trên khắp đất nước và giờ đây đang phiêu linh trong chuyến tầu gần họ này không. Bỗng nhiên tôi cảm thấy chúng tôi xa cách họ quá. Những người dân cùng khổ, lam lũ kia như là những người của thế giới khác.
Tầu lại đi, bỏ qua tất cả những ga nhỏ. Chúng tôi đang tiến sâu vào đất miền Nam. Ga tới sẽ là Ðà Nẵng. Với tốc độ này của tầu thì cũng phải 2, 3 giờ chiều mới tới. Anh em đã bắt đầu mệt nhọc trở lại. Nhiều người lại ngủ như mặc cho cuộc thế xoay vần.
Bỗng ở lối đi thông từ toa cán bộ, năm thanh niên trai gái xuất hiện. Họ ăn mặc sạch sẽ, nét mặt vui tươi, sáng sủa. Từng người một, họ len lách qua toa tầu của chúng tôi. Một cô gái nói:
-Chào các chú, các bác.
Anh em vội vã lấy lại tư thế, mỉm cười đáp lại. Chúng tôi đã nhìn được rõ trên ve áo của họ là dấu hiệu nhân viên Hỏa Xa. Một giọng của cô gái miền Nam cất lên:
-Các chú, các bác có cần nước uống không?
Một vài người lấy bi đông ra đưa cho cô gái nhân viên Hỏa Xa. Số bi đông bỗng chốc dội lên khiến 5 thanh niên cầm không hết. Họ lúng túng. Một cô ghé tai tôi nói nhỏ:
-Chú có gửi gì không. Cứ để trong các gạt tàn thuốc.
Tôi ngó nhìn cô gái. Mặt cô lạnh lùng, nghiêm chỉnh thu gom lại các bi đông. Tôi vội nhìn ra phía cửa toa tầu. Hai tên quản giáo đứng đó tự bao giờ đang theo dõi hành động của 5 nhân viên hỏa xa này. Chúng tôi vội nói to:
-Cảm ơn các cháu đã cho nước.
Một tên quản giáo nói:
-Các đồng chí hỏa xa khẩn trương lên. Lát nữa các đồng chí cứ để nước ở đầu toa là được rồi.
Không có ai trả lời. Hình như giữa nhân viên Hỏa Xa với bọn công an không khí cũng không hòa hợp tí nào.
Chúng tôi loan báo cho nhau tin tức để chuyển các thư vào những nơi mà 5 thanh niên nhân viên hỏa xa đã khéo léo dặn dò. Một tin lan nhanh: “Cô gái đi đầu là cháu họ của một người trong anh em chúng tôi.” Thế là chúng tôi chủ quan ngay: “Gặp phe ta rồi.”
Tuy vậy chúng tôi vẫn đề cao cảnh giác. Rất ít người gài thư vào nơi gạt tàn thuốc mà đợi đưa tận tay hoặc tìm cách ném ra ngoài mỗi khi tầu đi qua các thị trấn.
Thời gian qua thật nhanh. Nắng bên khung cửa tầu đã đổ chếch. Có lẽ đã hơn hai giờ chiều rồi mà đoàn tầu vẫn còn lang bang trên các cánh đồng vắng lặng. Các cô bé nhân viên hỏa xa vẫn đi lên đi xuống, từng chặp. Và mỗi lần đi như vậy, các cô lại thu được một ít “tin nhạn” của anh em chúng tôi. Bọn quản giáo lúc đầu còn theo dõi, sau chúng cũng mặc. Thế là một số câu chuyện giữa chúng tôi với “dân chúng” được diễn ra vụng trộm:
-Các cháu phải hết sức cẩn thận đấy.
-Nhớ gửi giúp cho chú.
-Các chú cứ yên tâm. Nhân dân miền Nam vẫn là của các chú. Chuyến trước, tụi cháu tới thành phố Saigon là chia nhau đi suốt đêm để chuyển thư cho các chú, không sót một cái nào đâu.
-Tụi công an không có quyền khám tụi cháu ở trên tầu.
Những câu nói ngắt quãng, âm thầm như không nói với ai, nhưng lại cả một tâm tình trao gửi cho nhau.
Thấp thoáng có tên cán bộ ở cửa toa. Cô gái nhân viên hỏa xa nói lớn:
-Xin các chú, các bác lưu ý, đừng xả rác trên tầu. Hãy bảo quản tốt tài sản Xã Hội Chủ Nghĩa.
Rồi cô đi săm soi sửa lại các cánh cửa sổ và luôn miệng ra lệnh cho các bạn chia nhau đi kiểm tra vệ sinh trên tầu.
Lúc này, tất cả anh em chúng tôi đều như được bơm một luồng sinh khí mới. Bao nhiêu năm thiếu vắng những tiếng nói chân tình. Bao nhiêu năm bị đối xử như không phải là người. Bao nhiêu năm chỉ thấy những ánh mắt thù nghịch. Bao nhiêu năm chỉ thấy những đe dọa, sỉ nhục. Nay, được nghe những lời nói êm đềm và được biết “Nhân dân miền Nam vẫn là của các chú” thì chúng tôi lại như cây khô được tưới nước. Anh em âm thầm nhìn nhau sung sướng. Nhưng nỗi sung sướng ấy không tột cùng được bởi ai nấy đều nghĩ đến cái trách nhiệm chung là đã để đất nước rơi vào tay cộng sản. Bao nhiêu năm trong tù, biết bao nhiêu lần anh em chúng tôi bàn về cái thế nước mất và thường đi đến kết luận đổ cho thời thế mà ít khi nhận lấy trách nhiệm. Nhưng bây giờ được nghe lớp con cháu nói, mới thấy tất cả những ăn năn, những xấu hổ. Chúng tôi chỉ còn biết nhìn nhau tìm thông cảm.
Ðoàn tầu chậm hẳn lại. Nhiều cán bộ quản giáo và vệ binh xuất hiện ở hai đầu toa tầu. Mặt chúng nghiêm trọng. Chúng nói lớn:
-Các anh kéo hết cửa xe lên.
Rồi chúng chia nhau đi soát lại từng cửa sổ một. Những tiếng lộp bộp xa xa bắt đầu nổi lên. Lại thêm một số cán bộ nữa ùa vào toa chúng tôi. Một tên vệ binh chắc chỉ độ 18 tuổi, mặt non choẹt, chửi tục:
-Ð. mẹ chúng nó ném đá lên đầy toa mình ngồi.
Tên quản giáo vội quát lớn:
-Ðồng chí Tèo im miệng đi. Ðồng chí ra ngoài làm phận sự.
Rồi hắn giải thích với chúng tôi:
-Các anh thấy đó, nhân dân còn giận dữ với các anh. Nếu nhà nước mà cho các anh về sớm, nhân dân cũng không tha cho các anh đâu.
Chúng tôi không thể tin được là bên ngoài nhân dân đang ném đá vào đoàn tầu. Có thể đã tới ga Ðà Nẵng rồi. Ðây là miền Nam. Ðây là nhân dân, bà con của chúng tôi. Không lẽ... Chuyện ném đá chỉ xẩy ra khi chúng tôi được đưa ra miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Trong những dịp chúng tôi tiếp xúc trộm sau đó mới được biết rằng bọn cộng sản đã xúi giục nhân dân thù hận chúng tôi và chính chúng với bọn có mồi đã ném đá lên các đoàn xe chở tù chứ nhân dân thì chẳng có ai nỡ cầm hòn đá mà ném chúng tôi cả. Có điều họ rất giận chúng tôi là thay vì phải Giải Phóng Miền Bắc thì lại để cho chúng nó chiếm mất miền Nam làm nhân dân miền Bắc mất luôn cả hy vọng.
Tầu đã vào ga Ðà Nẵng. Tiếng huyên náo lớn và rõ trên sân ga. Bọn cán bộ gọi nhau:
-Các đồng chí xuống hết cả dưới sân.
Tôi tìm cách hé cánh gỗ che cửa sổ. Một quang cảnh thật xúc động. Tôi vội ra dấu cho anh em. Nhiều người cũng hé cửa ra nhìn. Quang cảnh làm anh em chúng tôi đứng cả dậy.
Tên vệ binh còn sót lại, giữ nhiệm vụ canh gác vội quát to:
-Các anh trật tự. Anh nào lộn xộn tôi bắn.
Nhưng tất cả đều đã dồn về các khung cửa sổ. Các cánh cửa gỗ đã kéo lên hết. Sân ga đông đặc người. Ðàn bà, trẻ em, ông bà già... Những bạn hàng, người buôn thúng, kẻ bán bưng... Họ đang vẫy tay reo hò chào, gọi chúng tôi. Bọn công an trên tầu cũng như dưới đất đang phối hợp nhau làm một hàng rào cản không cho dân chúng đến gần toa tầu chở tù. Nhưng dân chúng đông quá, họ đã tràn vào đến sát toa tầu của chúng tôi. Anh em giơ cả tay lên chào đón họ. Những cổ tay xích xiềng được in trên các khung kính. Tôi thấy rõ nhiều bà, nhiều cô kéo vội vạt áo lên lau mắt. Có tiếng nói lớn từ đám đông:
-Tàn nhẫn quá. Cùm người ta như thế kia à!
-Bỏ cùm ra đi! Bỏ cùm ra đi!
Ðám đông nhốn nháo nhìn cả về phía toa xe chở cán bộ. Phía đó, mưa đá đang lao vào làm bể một số cửa kính. Bọn công an đổ xô về phía đám thanh niên đang ném đá. Bắt bớ và giằng co diễn ra. Chúng tôi lo ngại cho phía ngoài, chờ đợi tiếng súng nổ.
Phía này, dân chúng nhao lên:
-Mở hết cửa toa đi các anh.
Như được tiếp sức, chúng tôi mở cao hết các cánh cửa sổ toa tầu. Tên vệ binh thét lên:
-Các anh đóng ngay cửa lại. Họ ném đá vào đó.
Vừa lúc đó, rào rào các thứ được tung qua cửa sổ. Chúng tôi nhận ra ngay. Không phải là đá. Ðó là bánh mì, bánh chưng, giò chả, nước ngọt, thuốc lá Bastos xanh, kẹo, bánh, chuối, dứa, ôi, không còn thiếu một thứ thức ăn nào mà chúng ta thường thấy bán rong trên các chuyến tầu hỏa hay trên các chuyến xe ca. Bên ngoài, dân chúng đang bị bọn công an dồn ra xa nhưng dân chúng thì không ngớt la hét:
-Các anh nói là nhân đạo, nhân đạo. Sao cấm chúng tôi tiếp tế cho tù.
Vẫn có tiếng nói vọng lên toa chúng tôi:
-Các bác, các chú ăn đi mà giữ sức khỏe. Của nhân dân tặng đó.
Ðám đông bị dồn ra xa. Chợt ngay dưới chân cửa sổ tôi ngồi, một em bé khoảng 9, 10 tuổi đen đúa, ăn mặc rách rưới cố đưa cao gói ni lông mà tôi thấy thoáng trong đó có gói thuốc Bastos xanh và một phong kẹo lạc. Em nói to:
-Cầm đi chú.
Tôi bảo:
-Thôi, các chú có đủ rồi.
-Chú lấy đi. Cháu cho đó. Không bán đâu.
Té ra là cậu bé bán dạo trên sân ga mỗi khi có đoàn tầu đến. Tôi vội lục lấy tờ 5 đồng đưa cho cậu bé.Cậu bé lắc đầu vừa lúc một tên công an chạy đến tóm lấy gáy cậu. Cậu chống cự lại và nhìn chúng tôi bật khóc. Cậu cố tung gói quà lên phía tôi, nhưng gói quà lại rớt xuống đất và cậu bị tên công an lôi đi xềnh xệch.
Tôi rũ người xuống trong toa tầu không còn để ý đến bọn công an đang ùa lên, giẫm đạp lên chúng tôi để kéo hết các cánh cửa sổ xuống.
Rồi Quảng Ngãi. Qui Nhơn. Nha Trang. Phú Yên... Ga nào cũng cảnh ấy diễn ra. Càng về sâu miền Nam, dân chúng đứng đón chúng tôi càng nhiều hơn. Các nhà ga đã được lệnh không cho dân chúng vào và bọn công an địa phương cũng đã vây kín sân ga.
Trong khi đó thì dân chúng lại tập trung đông đặc tại các ngã tư đường nơi tầu chạy qua trong thành phố. Bánh kẹo, thuốc lá, nước uống được dân chúng quăng lên đầy xe. Mối tình nhân dân đối với chúng tôi thật quá đậm đà, sâu sắc càng khiến chúng tôi sầu khổ, tự trách mình.
Chúng tôi biết rõ, những tháng ngày còn tiếp tục tù đầy ở miền Nam sẽ là những tháng ngày để chúng tôi ôn lại những cảnh này và sẽ cùng nhau chịu đựng những vò xé trong tâm tư. Chắc chắn sẽ còn rất ít ai lẩn trốn trách nhiệm, đổ cho thời thế làm nước mất nhà tan nữa.
Tháng Tư, 1993
Nguyên Huy
No comments:
Post a Comment